Hôm nay là ngày thứ 2 học sinh từ lớp 7-12 tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 trên toàn thành phố Hà Nội trở lại trường học tập trực tiếp.

Chờ con trong tình trạng vội vã, chị Thùy Anh – phụ huynh học sinh lớp 7 tại Cầu Giấy (trú tại Bắc Từ Liêm) liên tục đưa mắt về phía cổng trường, ngóng chờ con gái. Chị Thùy Anh cho biết, để có thể đưa đón con đi học, chị phải xin làm việc online tại nhà, tranh thủ buổi trưa qua trường đón con. Tuy nhiên, phương án này không thể áp dụng được mãi, vì vậy vợ chồng chị đã chuẩn bị kế hoạch mới.

"Tới đây, vợ chồng tôi phải tính đến phương án đặt xe công nghệ đưa đón con đi học, hoặc tập cho con tự đi xe đạp đến trường. Như vậy, buổi trưa các con sẽ phải về và tự nấu ăn.
Theo tôi, thành phố đã nhất trí cho học sinh đi học lại thì tốt nhất nên cho các con ăn bán trú. Đằng nào cũng đi học, đến trường, ở lại cũng không ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi chỉ mong nhà trường cố gắng khắc phục, tổ chức bán trú cho các con" - chị Thùy Anh nêu quan điểm.


Đồng tình với quan điểm trên, chị Lê Thị Dung - phụ huynh học sinh lớp 9 tại Thanh Trì cho rằng, việc học một buổi và không ăn uống tại trường chỉ khiến các con thêm vất vả. Theo đó, khi học sinh đến trường, tiếp xúc với nhau, học một buổi hay 2 buổi không có sự khác biệt nhiều về nguy cơ mắc COVID-19.
"Theo tôi, thành phố nên dứt khoát đưa học sinh trở lại trường như trước đây, tránh nửa nạc nửa mỡ gây vất vả cho các con và gia đình. Phụ huynh chúng tôi tha thiết mong trường tổ chức bán trú cho các con" - chị Dung kiến nghị.


Trao đổi về vấn đề trên, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh thừa nhận việc học 1 buổi sẽ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhưng còn nhiều bất cập cho nhà trường, phụ huynh và cả học sinh.

"Đối với các trường ngoài công lập, tuyển sinh khắp thành phố, các em phải di chuyển rất xa. Trong khi đó, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch dạy 2 buổi/ngày , học sinh sẽ học trực tiếp 1 buổi trên trường và 1 buổi online tại nhà. Tất nhiên, nhà trường cũng sẽ có sự điều chỉnh về mặt thời gian hợp lí để học sinh không căng thẳng. Khó khăn thì nhà trường cũng cố gắng vượt qua, rèn luyện các kỹ năng cho các thầy cô giáo, học sinh” – thầy Bình cho biết.