Sốc trước những tiêu chuẩn quá khắt khe
Đã vài ngày trôi qua, chị Đỗ Ngọc Quỳnh (tên đã được thay đổi theo yêu cầu nhân vật) vẫn chưa hết thẫn thờ vì chị chưa bao giờ nghĩ đến tình huống con trượt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) ngay từ vòng hồ sơ.
Hồ sơ toàn điểm 10 của con bị loại chỉ vì kết quả môn Âm nhạc và Thể dục chỉ đạt mức “Hoàn thành”.
Phải chăng quy định tuyển sinh của nhà trường đã có sự bất hợp lí và không công tâm? Nhà trường đã đập tan ước mơ của học sinh ngay khi các con chưa trải qua bất cứ bài thi đánh giá năng lực nào. Mọi sự cố gắng của cả con cái và phụ huynh đến cuối cùng đều không được đền đáp... Đó là hàng loạt các câu hỏi nối đuôi nhau diễn ra trong suy nghĩ của vị phụ huynh này.
Lúc nghe tin con bị trả hồ sơ về, cả gia đình chị Quyên đều sững sờ. Lồng ngực chị như nghẹn lại. Nhưng khi đưa mắt nhìn sang gương mặt bần thần của con trai, chị chợt nhận ra, có lẽ mình đã sai.
“Việc cân bằng giữa môn học chính và môn phụ là điều rất khó. Tôi không thể đòi hỏi con mình vừa giỏi kiến thức trên lớp lại vừa thành thạo rèn luyện ca, múa, nhạc,...” - chị Quỳnh bày tỏ.
"Điểm số đã lấy mất tuổi thơ của con"
Tâm sự chuyện học hành của con, chị Quỳnh cho rằng với cương vị là bố mẹ ai cũng mong con học giỏi. Khi con có thành tích xuất sắc cũng là lúc nhiều cơ hội sẽ dễ dàng rộng mở với con. Suy nghĩ đó đã làm cả hai vợ chồng chị Quỳnh luôn kì vọng vào con.
Con trai của chị vốn rất hoạt bát. Hàng ngày sau khi học trên lớp, nguyện vọng của con là chỉ xin bố mẹ được đi chơi thư giãn. Lúc đầu vợ chồng chị cũng vui vẻ đồng ý nhưng dần dần nghĩ đến lí tưởng lớn con phải học giỏi để sau này có địa vị trong xã hội, chị đã khước từ mọi mong muốn được đi bơi, thả diều, đánh cờ,... của con.
“Hết học ở trường tôi lại đưa thẳng cháu đến các lớp học thêm. Ngoài việc học ra cháu chỉ được phép lên mạng luyện đề, đọc thêm sách tôi mua chứ không có chuyện đề xuất với bố mẹ bất cứ chuyện gì khác” - chị kể.
Với quan niệm đầu tư cho giáo dục là đầu tư đúng đắn nhất, chị Quỳnh luôn khao khát cho con có một suất học ở Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chính vì điều này, chị đã vô tình quên mất tuổi thơ thực sự của con là gì.
“Tôi bắt con phải học hành và đặt mục tiêu để phấn đấu. Đôi khi chính tôi hay tạo ra khuôn mẫu cố định để con làm theo” - chị Quỳnh nghẹn ngào.
Năm 2023 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có sự thay đổi về tuyển sinh đầu vào. Điều này đã dẫn đến việc nhiều bậc phụ huynh “sốc” khi biết tin con bị loại hồ sơ, thậm chí có nhiều người còn làm đơn kiến nghị về điều kiện xét tuyển của trường này.
“Ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, trường còn yêu cầu phải có một học bạ đẹp không tì vết ngay từ năm lớp 1, có nghĩa là môn học nào cũng phải xếp ở mức hoàn thành tốt” - chị Quỳnh chia sẻ.
Nhận thấy việc chèo lái cho con có cơ hội học tập tại một ngôi trường công lập, chị Quỳnh cho rằng mình đã quá áp lực lên con. Chị hối hận nói:
“Giá như ngày ấy tôi học được cách kiềm chế những kì vọng. Đừng bắt ép con học ngày cày đêm, thoải mái cho con vừa học tập vừa tham gia hoạt động ngoại khoá thì có lẽ giờ đây tôi và con sẽ nhẹ nhàng trong việc lựa chọn trường học cho con".
Là một trong số hàng trăm phụ huynh phải ra về trong sự nuối tiếc khi Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trả lại hồ sơ tuyển sinh lớp 6, anh N.T.B (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tìm cách tự an ủi bản thân và động viên coi.
“Cũng là người lặng lẽ mang hồ sơ của con về, hơn ai hết tôi rất thấu hiểu cảm giác hụt hẫng, thất vọng của cha mẹ. Nhưng sau cùng, tôi muốn con được phát triển một cách phù hợp nhất với năng lực và sở trường của con.
Các bậc phụ huynh hãy coi đó như một trải nghiệm, cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa mới sẽ mở ra. Điều quan trọng cha mẹ hãy có niềm tin ở nơi con, hãy đồng hành với con để tiếp thêm sức mạnh trong chặng đường học tập phía trước” - anh B bày tỏ.