Đầu năm học, chị Phương Uyên (Thanh Hóa) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cô giáo chủ nhiệm với lời mời làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đáp lại lời mời của cô giáo, người mẹ trẻ này đã cương quyết từ chối, không tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Tôi đã từ chối tham gia vì vừa mất thời gian, công sức lại vừa mang tiếng là giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản, lạm thu, tư lợi cá nhân,...." - chị Uyên nói.
Theo quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp sẽ do phụ huynh tiến cử. Nhưng theo nhiều phụ huynh, thực tế, đầu năm học, giáo viên đã đọc hồ sơ từng em và ấn định những thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Tôi để ý lớp 2 con nhà tôi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đều là những người có điều kiện, địa vị trong xã hội. Chính vì có điều kiện về kinh tế nên trong buổi họp phụ huynh đầu năm, họ kêu gọi đóng góp rất nhiều các khoản với mức thu tôi đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân" - chị Nguyễn Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bộc bạch.
Chị Trần Thị Lan Hương (Thanh Hóa) - người từng nhiều năm làm việc trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nói rằng, có rất nhiều các khoản đóng góp do nhà trường "ép" xuống, nào là tiền tiền cơ sở vật chất, tiền vệ sinh, các khoản đóng góp, quỹ đội,...
"Chúng tôi cũng như những phụ huynh khác, không thể nào tự "vẽ" ra được các khoản thu lạ này và thu khi chưa có sự đồng ý của nhà trường. Chúng tôi cũng rơi vào tình cảnh "cực chẳng đã". Nếu được chọn, không ai tình nguyện tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh" - chị Hương nói.
Phụ huynh này chia sẻ, khi thu tiền quỹ của phụ huynh, bản thân những người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh đang phải gánh trách nhiệm rất lớn. Phải làm sao để cân đối giữa các khoản thu cũng như những quyền lợi các con được hưởng.
"Tôi ví dụ phát phần thưởng, liên hoan cuối năm. Chúng tôi phải đau đầu tính toán, cân đối để mỗi em đều có phần quà mang về, vừa được tham gia buổi liên hoan nhẹ nhàng, ấm áp nhưng trong phạm vi số tiền không nhiều để tránh gây áp lực kinh tế lên các gia đình" - chị Hương nói.
Dưới góc nhìn của một phụ huynh, đồng thời, cũng là thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều năm, Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, tâm lý, không ai thích làm thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Nhiều người nghĩ rằng những người làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh xung phong làm để có điều kiện gần gũi thầy cô giáo, có lợi cho con mình. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Một năm ngoài các khoản thu chi đầu năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh có rất nhiều các công việc phải làm. Lễ tết thầy cô, chuẩn bị quà, phần thưởng liên hoan cuối năm cho các cháu học sinh, các công việc chung khác của trường, của lớp như lễ kỷ niệm thành lập trường" - ông Ứng nói.
Theo ông Ứng, nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm được quy định trong điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thì rất tốt và khi đó, sẽ xóa bỏ được suy nghĩ Ban đại diện cha mẹ học sinh là hội “phụ thu”, “cánh tay nối dài” của nhà trường,… như hiện nay.