Những tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017: Ngọn lửa không bao giờ tắt

Vũ Thị Mai Lan (Trường THPT Kim, Sơn C, tỉnh Ninh Bình) |

Tháng 9 gọi về cái nắng ngọt ngào thoảng thoảng hương thu. Tâm hồn người cũng trở nên trong veo đến lạ thường. Bên khung của sổ nhỏ, âm thanh của bài hát phát ra từ chiếc đài radio trên chiếc bàn làm việc gọi về biết bao cảm xúc:

“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Bước lặng trên con đường vắng năm nao

Chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào

Mà chẳng cho lòng người yên chút nào.

Em mãi mê về một màu mây xa

Cánh buồm bay về một thời đã qua…”

Thầy tôi vẫn gương mặt hiền lành đã hằn lên nhiều dấu vết của thời gian, nụ cười hiền hậu, đôi mắt ưu tư, xa xăm. Tôi bắt đầu câu chuyện bằng lời xin phép được viết về thầy - thầy Phạm Văn Đức - tấm gương nhà giáo Việt Nam tiêu biểu.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên truyền những tấm gương nhà giáo đã tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Báo Lao Động xin được đăng tải những bài viết đoạt giải tại cuộc thi “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” 2017.

Đúng như những gì tôi phán đoán, thầy cười tươi từ chối bởi lẽ tính thầy vốn thẳng, giản dị, không thích khoa trương nhưng cũng rất tình cảm, đôn hậu. Nhờ có người đồng nghiệp đỡ lời, cuối cùng tôi cũng nhận được sự đồng ý của thầy để viết về câu chuyện cuộc đời của một người thầy – người chiến sĩ kiên cường.

 Một thời oanh liệt

Năm 1969, cậu học trò nghèo tài năng của mảnh đất Kim Sơn – Ninh Bình được vinh dự theo học khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với niềm khát khao trở thành thầy giáo, để mang sức trẻ, kiến thức, tài năng cống hiến cho đất nước. Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ngày càng cam go, ác liệt; nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách.

Năm 1970, sau khi học hết năm thứ nhất, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tạm gác lại ước mơ, thầy chủ động đăng kí khám sức khỏe “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” tại mặt trận phía tây Thành cổ Quảng Trị. Đây là một trong những chảo lửa ác liệt nhất của cả nước lúc bấy giờ.

 
Hình ảnh sinh viên trước giờ lên đường nhập ngũ. Ảnh tư liệu

Thầy kể: “Sau chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, toàn bộ Thành Cổ Quảng Trị gần như bị san phẳng. Rất nhiều người anh dũng hi sinh. Bom đạn, chất độc hóa học trút xuống đầu người như trút nước. Lúc ấy chẳng nghĩ gì đến tính mạng chỉ mong sao đánh thắng giặc Mĩ, giành lại độc lập cho Tổ quốc”.

 
Hình ảnh thầy và trò chào nhau trước giờ lên đường nhập ngũ.

Tháng 11 năm 1972, trong một trận đánh, thầy bị thương nặng, mất đi cánh tay phải và bị phơi nhiễm chất độc da cam không thể tiếp tục chiến đấu, nên phải chuyển đi trị thương ở các bệnh viện Tiền Phương, Quảng Bình, Quân Y 5.

Nỗi đau chiến tranh, những vết thương trên cơ thể không quật ngã được người chiến sĩ dũng cảm. Vượt lên trên khó khăn, đau thương, tháng 1.1974, thầy tiếp tục quay trở lại trường đại học hoàn thành ước mơ còn dở dang. Nhưng trở ngại lớn nhất lúc này là việc mất đi cánh tay phải làm cho quá trình học tập rất vất vả.

Không nản chí, thầy lại cặm cụi kiên trì nhiều năm tập viết bằng tay trái. Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác ngạc nhiên, trầm trồ, thán phục khi lần đầu tiên nhìn thấy thầy viết chữ, vẽ hình rất đẹp bằng tay trái trên bảng mà không cần đến bất kỳ dụng cụ nào. Và bây giờ tôi cũng hiểu được rằng đó không phải là tài năng mà là sự kiên trì khổ luyện, là biết bao mồ hôi nước mắt của thầy.

 Từ chiến trường đến bục giảng

Tháng 7.1978, sau khi tốt nghiệp loại giỏi, thầy trở về quê hương nhận công tác tại Trường THPT Kim Sơn B, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Hành trang của thầy trong suốt quãng đường làm giáo dục là bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, là bầu nhiệt huyết, niềm đam mê cháy bỏng đối với môn toán và quan trọng hơn tất cả là khát vọng được cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

 
Ngôi trường đã gắn bó với thầy Phạm Văn Đức trong nhiều năm.

Thầy bước vào nghề khi đất nước còn ngổn ngang những khó khăn, đời sống giáo viên khổ cực thiếu thốn trăm bề. Với đồng lương ít ỏi 60 đồng/tháng, cộng với 6.5 đồng tiền trợ cấp thương binh hàng tháng không đủ trang trải, thầy vừa phải dạy học vừa làm thêm các công việc khác như chăn nuôi, xay xát gạo.

Vậy mà thầy vẫn chắt chiu để dành tiền giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn từ tấm áo, bát gạo, cuốn sách, quyển vở. Những món quà của tình yêu thương đã tiếp sức cho biết bao học sinh có thêm nghị lực để tiếp tục theo đuổi ước mơ.

Trong quá trình công tác tại trường, với năng lực chuyên môn vững vàng, thầy được nhà trường tín nhiệm phân công giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn; phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trẻ; phụ trách bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi.

Để đạt hiệu quả cao, thầy khuyến khích các giáo viên trẻ tham gia dự các giờ học trên lớp và các tiết bồi dưỡng học sinh giỏi để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy.

Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao rõ rệt. Các đội tuyển học sinh giỏi môn toán do thầy phụ trách luôn đạt các giải cao Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đội ngũ giáo viên do thầy hướng dẫn đều có chuyên môn vững vàng nhiều thầy cô hiện đang đảm nhiệm chức danh hiệu phó phụ trách chuyên môn…

Người thầy của nhân cách và nghị lực

Năm 1978, sóng gió lại bất ngờ ập xuống. Người vợ hiền đảm đang của thầy mất đột ngột trong một tai nạn giao thông. Đây là cú sốc để lại nỗi đau đớn, mất mát, hụt hẫng nhất trong cuộc đời thầy. Những năm sau đó, một mình thầy vừa dạy học, vừa chăm sóc bốn đứa con thơ.

Bé trai đầu bị dị tật do di chứng chất độc da cam. Bé gái út mới ngót 3 tuổi. Cha già yếu, mẹ bị liệt cũng cần người chăm sóc.

Thầy tâm sự: “Có lúc tưởng chừng như khụy ngã không thể tiếp tục công tác. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc mà lòng quặn thắt. Chính cha mẹ thầy cũng khuyên nên bỏ nghề để làm kế toán vừa có thêm thu nhập lại vừa có thêm thời gian lo cho gia đình. Nhưng thương con, yêu nghề nên phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần để vượt qua”.

Để tiện chăm sóc các con, phụng dưỡng cha mẹ và tiếp tục theo đuổi đam mê, nhiệt huyết với nghề giáo, năm 1991, thầy xin chuyển công tác về gần nhà tại trường THCS Đông Hướng, Huyện Kim Sơn (4 năm) rồi quay trở lại tiếp tục công tác tại Trường THPT Kim Sơn B.

Năm 2004, thầy được bổ nhiệm làm hiệu phó phụ trách chuyên môn tại Trường bán công Kim Sơn C (nay là Trường THPT Kim Sơn C).

Những ngày đầu khi thầy mới về trường, khó khăn chồng chất: Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, chỉ có vài phòng học cấp 4, công tác tuyển sinh, đào tạo cũng gặp khó khăn...

 
Trường THPT Kim Sơn C những năm đầu mới thành lập 

Không ngại khó ngại khổ, thầy cùng với ban giám hiệu của nhà trường nhanh chóng tìm cách khắc phục khó khăn đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để có thêm ngân sách xây mới một số phòng học; cải tạo, sửa chữa các phòng học đã xuống cấp, mua thêm các trang thiết bị phục vụ cho học tập, giảng dạy.

Mặt khác, thầy rất chú trọng vào việc đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên theo chủ trương phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giáo viên để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Với sự cố gắng, nỗ lực, đường lối chỉ đạo đúng đắn có hiệu quả, thầy và tập thể nhà trường đã đưa Trường THPT Kim Sơn C ngày một phát triển vững mạnh cả về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo.

Trong suốt 8 năm học liền (năm học 2004 - 2005 đến năm học 2011 - 2012), nhà trường luôn đạt danh hiệu Tiên tiến. Nhà trường được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen. Năm học 2006-2007 nhà trường được Sở GDĐT Ninh Bình tặng Giấy khen về thành tích trong công tác xã hội hóa giáo dục. Sau gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, năm 2012 thầy về nghỉ hưu tại địa phương theo chế độ của nhà nước.

 
Thầy Phạm Văn Đức (thứ 2 từ trái sang) và ban giám hiệu Trường THPT Kim Sơn C
 

Những ngày gần đây, câu chuyện về một cô giáo trẻ dạy mầm non, hay một thầy giáo sau 16 năm công tác viết đơn xin ra khỏi biên chế vì đồng lương eo hẹp, vì những khó khăn vất vả trong nghề đặt ra trong tôi nhiều suy nghĩ, trăn trở.

Từ câu chuyện về cuộc đời thầy Phạm Văn Đức tôi nhận thấy: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

Giữa những âm thanh xô bồ của cuộc sống hiện đại, với tôi, thầy là “thanh âm trong trẻo nhất”. Thầy là người tôi luôn kính trọng và khâm phục về nhân cách cao cả, về ý chí nghị lực phi thường, tấm lòng tận tụy với nghề và tinh thần lạc quan yêu đời.

Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy tôi cách làm người. Thầy là người truyền lửa giúp tôi có thêm nghị lực để phấn đấu để trở thành một nhà giáo mẫu mực hết lòng với nghề, hết mình với học sinh thân yêu.

Vũ Thị Mai Lan (Trường THPT Kim, Sơn C, tỉnh Ninh Bình)
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.