Nhiều năm trở lại đây, học sinh tốt nghiệp THPT không còn mặn mà với ngành sư phạm, học sinh giỏi lại càng hiếm, đầu vào của nhiều trường sư phạm thấp ở mức kỉ lục.
Mùa tuyển sinh năm nay, ngành sư phạm chất lượng cao của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) mới chỉ tuyển được 20/80 chỉ tiêu, trong đó ngành Toán chỉ tuyển được 1 sinh viên, ngành Lý chưa có sinh viên nào. Còn ở Cao đẳng sư phạm Gia Lai nhà trường nâng mức điểm chuẩn ngành sư phạm Văn lên 23 để “đánh trượt” 1 thí sinh duy nhất đạt 22,5 điểm với lý do 1 sinh viên sẽ rất khó khăn nếu đào tạo.
Tại sao học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo?
Phát biểu về vấn đề này tại Hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GDĐT, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng chúng ta chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Tất cả các trường đào tạo đều công khai rằng trường đào tạo chất lượng cao nhưng vấn đề này cần xem lại.
Theo GS Minh, chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch dù đã tiên lượng được hậu quả của việc chậm quy hoạch, không ít lần chúng ta đặt kế hoạch nhưng chưa đưa ra được giải pháp khả thi.
Vị Hiệu trưởng trường này cho rằng cần quy hoạch trên cơ sở cung cầu; quy hoạch đảm bảo sự ổn định và phát triển phải xác định đến đối tượng bị tác động; quy hoạch dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội tạo ra trọng tâm trọng điểm để đầu tư; và khi quy hoạch cần xem xét đến yếu tố địa lý, văn hóa của vùng miền trong mối tương quan về trọng điểm.
Theo GS Nguyễn Văn Minh, chất lượng đào tạo sư phạm quyết định sự thành bại của đổi mới, trong đó phụ thuộc vào chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo và cách thức đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên. Nếu không đủ điều kiện đảm bảo đó chúng ta rất khó có thầy giỏi.
Vì sao gần đây học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm, ông Minh chỉ ra 3 yếu tố: Việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến.
Đề xuất của hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội
GS Nguyễn Văn Minh kiến nghị Bộ GDĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ công tác quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường sư phạm.
Bộ GDĐT cần đề xuất với Chính phủ, một mình Bộ GDĐT không làm được vì có trường thuộc bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh, trường ngang cấp có, cho nên cần có sự thống nhất.
Khi quy hoạch thì liên quan tới sự sắp xếp biên chế các đơn vị nên cần có sự triển khai thống nhất giữa Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ.
Đồng thời, trên cơ sở sáp nhập lại quy hoạch, Bộ Tài chính cần có chiến lược đầu tư cụ thể để tạo ra các phân khúc đột phá trong phát triển đào tạo sư phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần định hướng dư luận để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.