Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài Toán, Tiếng Anh và Ngữ Văn, Hương Giang (học sinh lớp 12 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội) lựa chọn bài thi Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Em cho biết, do vừa phải ôn thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực và học IELTS nên em luôn trong tình trạng quá tải.
Từ khi Bộ GDĐT công bố đề tham khảo, nữ sinh cảm thấy “dễ thở” hơn. Em đã làm lại đề tham khảo nhiều lần với mong muốn có thể nắm chắc được phần kiến thức trong đề và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách dễ dàng.
Tương tự, Trung Kiên (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội) cũng cảm thấy “nhẹ gánh” sau khi đọc đề tham khảo. Dự định xét tuyển bằng khối D07 (Toán, Hoá, Tiếng Anh), Trung Kiên cho rằng bản thân chỉ cần học kỹ đề tham khảo của 3 môn Ngữ văn, Vật lý, Sinh học là có thể làm tốt bài thi. Thời gian còn lại em dành để tập trung ôn tập cho các môn khối D07.
Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên môn Hóa học, người có nhiều năm ôn thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội cho biết hình thức thi trắc nghiệm là giải pháp quan trọng trong việc chống học lệch, học tủ. Ưu điểm lớn nhất của thi trắc nghiệm là câu hỏi trong đề có phạm vi, kiến thức đa dạng. Do vậy, dù Bộ GDĐT đã công bố đề tham khảo, song học sinh không nên học tủ, học lệch.
“Từ thực tế những năm trước cho thấy đề thi thật có cấu trúc, nội dung kiến thức, phạm vi kiến thức và hình thức tương đồng với đề tham khảo. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, câu hỏi của đề trắc nghiệm rất đa dạng, trong đề thi thật vẫn có những tình huống mở để đánh giá thực chất hơn năng lực của học sinh” - thầy Ngọc cho hay.
Việc Bộ GDĐT công bố đề tham khảo giúp học sinh có thể hình dung được phần nào mức độ khó - dễ và phạm vi kiến thức mà đề thi chính thức có thể đề cập tới. Thế nhưng, theo thầy Ngọc, trong quá trình ôn tập, ngoài lựa chọn ôn theo dạng đề, bám sát đề tham khảo thì những học sinh muốn thi vào trường đại học top đầu cần tìm những câu hỏi có tính chất mở rộng hơn so với đề tham khảo để đạt được điểm cao.
Thầy Ngọc khuyên các học sinh nên ôn tập dựa trên những đề thi chính thức và đề tham khảo các năm trước của Bộ GDĐT.
Còn theo thầy Nguyễn Thanh Tùng – giáo viên môn Toán học tại Hà Nội cho biết, đề tham khảo được đưa ra với mục đích để học sinh biết được cấu trúc và lượng kiến thức cần ôn tập.
Có thể lấy ví dụ như đề môn Toán, học sinh có thể dễ dàng nhận thấy rằng 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Về độ khó của đề thi, khoảng 39 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết. Trong đề có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12.
“Suy nghĩ chỉ cần học tủ theo đề tham khảo là có thể làm tốt bài thi là hoàn toàn sai lầm. Năm nào cũng vậy, chắc chắn đề thi chính thức sẽ khó hơn đề tham khảo. Năm nay, đề tham khảo của Bộ GDĐT khó hơn so với đề năm 2022. Vậy nên, nhiều khả năng đề thi chính thức năm nay cũng sẽ tăng cấp độ khó” - thầy Tùng nói.
Theo thầy Tùng, những câu hỏi mang tính phân loại học sinh, đề thi chính thức hầu như không bao giờ lặp lại dạng đề như đề tham khảo. Thay vì học tủ, học lệch, học sinh nên học kĩ lý thuyết trong sách giáo khoa, nắm vững các công thức và thành tạo cách giải các bài tập cơ bản. Sau khi đã nắm chắc kiến thức nền, học sinh có thể học mở rộng thêm các dạng bài khó, hiếm gặp để chinh phục các câu hỏi khó ăn điểm nhất.