Chia sẻ với Lao Động, nhiều học sinh tại Kiên Giang, Tiền Giang cho biết, không cảm thấy hào hứng trước khai giảng. Lý do là phải ngồi dự lễ dưới sân trường trong thời tiết nắng nóng, rất mệt mỏi và khó chịu.
Là người đã có nhiều năm gắn bó với nghề giáo, thầy Trương Chí Hùng (tỉnh An Giang) cho rằng, vấn đề học sinh than phiền với lễ khai giảng là cũng có nguyên do.
Thầy Hùng lý giải, đầu tiên, việc không ít trường yêu cầu học sinh phải đến từ sớm, tập trung xếp hàng ngoài sân khá lâu, đợi các đại biểu đến đông đủ buổi lễ mới được bắt đầu, khiến các em thấy mệt mỏi. Nếu gặp thời tiết nắng nóng hay mưa dầm, tình hình còn tệ hơn.
“Tôi nhận thấy những bài diễn văn chiếm phần lớn thời gian của buổi lễ nhưng thường ít có sự mới lạ, chung quy chỉ nói về truyền thống, thành tích của nhà trường, hướng phấn đấu trong năm học mới... Ngôn phong chính luận của các bài diễn văn khiến học sinh rất khó lĩnh hội"- thầy Hùng nói.
Ngày hội cho học sinh
Chia sẻ về những mong muốn trong ngày lễ khai giảng, em Đ.G.P (học sinh lớp 4 tại TP Cần Thơ) phấn khởi nói: “Em thích được chơi các trò đố vui, nhận quà trong ngày khai giảng. Và khi ngồi dự lễ, em muốn sẽ có quạt mát và một chai nước suối để uống”.
Tương tự, em Đ.T.N (học sinh lớp 12 tại TP Cần Thơ) bày tỏ mong muốn chương trình lễ khai giảng sẽ được rút ngắn, thay vào đó là những hoạt động thiết thực hơn: “Em rất muốn được gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các anh, chị là cựu học sinh của trường, giúp chúng em có thêm động lực để bắt đầu năm học mới”.
Trên cương vị là một nhà giáo, thầy Hùng mong muốn các trường cần dựa trên tình hình thực tiễn mà xây dựng chương trình lễ khai giảng cho phù hợp, không nên rập khuôn từ năm này qua năm khác.
“Thay vì tổ chức một cách rườm rà, nặng tính hình thức, vừa lãng phí vừa kém hiệu quả, tôi mong rằng các trường có thể biến ngày lễ khai giảng thành một ngày hội cho học sinh, phải thực sự lấy học sinh làm trung tâm. Cần giản lược tối đa những yếu tố mang tính hình thức, tăng cường các hoạt động vui chơi, văn nghệ...”, thầy Hùng bày tỏ.