Mỗi năm học đóng hơn 4 triệu đồng “làm quen” tiếng Anh
Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng các trường học "ngang nhiên biến giờ học chính khóa thành thời gian dạy thêm". Rất nhiều các lớp học tăng cường, lớp học kỹ năng... được các nhà trường liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, trung tâm và yêu cầu phụ huynh đóng phí.
Theo tìm hiểu của Lao Động, mỗi trường học sẽ liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, trung tâm khác nhau. Tuỳ vào chương trình học, thời lượng, học phí sẽ có sự khác nhau, dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh học 1 - 2 tiết/tuần.
Nổi bật trong đó có CTCP Giáo dục ISMART, CTCP Công nghệ Bình Minh, CTCP Giáo dục quốc tế Việt Úc, CTCP Giáo dục E3. Đáng chú ý, CTCP Công nghệ Bình Minh (Công ty Bình Minh) với hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh (BME) là doanh nghiệp đang có nhiều chương trình liên kết với nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội.
Vào đầu năm học 2023 - 2024, Trường tiểu học Nghĩa Đô đã có thông báo tuyển sinh lớp 1, gửi các phụ huynh học sinh về việc tiếp tục phối hợp với Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh (BME) - CTCP Công nghệ Bình Minh triển khai Chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán - Khoa học. Thời lượng giảng dạy 4 tiết/tuần, 140 tiết/năm học. Mức học phí 4.140.000 đồng/9 tháng, thu theo tháng là 460.000 đồng/tháng. Ngoài ra, phụ huynh còn phải mua sách giáo khoa tiếng Anh 1, có giá 152.000 đồng.
Tương tự, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đưa ra 3 chương trình dạy liên kết với đơn vị tư nhân (chưa tính các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp), trong đó có chương trình tiếng Anh BME - KIDs với mức thu 150.00 đồng/tháng.
Ngoài ra, vào ngày 6.9.2023, Công ty Bình Minh còn trúng Gói thầu số 1: Tổ chức chương trình dạy Tiếng Anh Robotics năm học 2023-2024 tại Trường tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông, TP Hà Nội), số tiền trúng thầu hơn 900 triệu đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 8.2023, doanh nghiệp này cũng trúng Gói thầu số 1: Tổ chức chương trình làm quen, dạy bổ trợ tiếng Anh tăng cường năm học 2023-2024 tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), với giá trúng thầu gần 7 tỉ đồng.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 2, Công ty Bình Minh đồng hành với Trường Tiểu học Tràng An. Trước đó nữa, thời điểm cuối năm 2022, hai đơn vị này đã “nắm tay đồng hành” tại gói thầu số 1: Tổ chức chương trình làm quen, dạy bổ trợ tiếng Anh tăng cường năm học 2022-2023 tại Trường tiểu học Tràng An hơn 5,7 tỉ đồng.
Nhìn vào dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có thể thấy, Công ty Bình Minh còn trúng các gói thầu do nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội làm chủ đầu tư, như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì.
Mỗi năm thu hơn trăm tỉ đồng
Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Bình Minh được thành lập năm 2006, có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Hải (SN 1975) được giới thiệu là người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty.
Kết thúc năm 2022, Công ty Bình Minh đưa về doanh thu khoảng 182 tỉ đồng, tăng thêm 80 tỉ đồng so với năm 2021. Trong đó, chiếm phần lớn là doanh thu từ bán thiết bị, đào tạo ngoại ngữ với 164 tỉ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ bán phần mềm (6 tỉ đồng) và bán sách (12 tỉ đồng).
Đáng nói, dù doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng, thế nhưng do giá vốn bán hàng cao, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến gần 30 tỉ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế công ty đưa về chưa đến 2 tỉ đồng trong năm 2022 và 200 triệu đồng năm 2021.
Như Lao Động đã đề cập, một trong các yếu tố nằm trong cái "bắt tay" giữa trường học và các doanh nghiệp cung cấp chương trình học là "hoa hồng". Theo đó, nhà trường sẽ được các đơn vị liên kết hoàn lại khoảng 20% mức thu của tổng số học sinh. Trên thực tế, điều này phần nào có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành đưa về cuối kì.
Như vậy, hai năm gần nhất, doanh thu Công ty Bình Minh khoảng 284 tỉ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận đạt được trên sổ sách chỉ khoảng 2 tỉ đồng.
Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản doanh nghiệp hơn 56 tỉ đồng. Nợ phải trả chiếm tỉ trọng nhỏ với chỉ 18 tỉ đồng. Đáng chú ý khi Công ty Bình Minh không có nợ vay tài chính, đồng thời trữ tiền tại công ty khá cao với khoảng 22 tỉ đồng.