Ngày 28.5, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã đăng tải dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 300 nghìn đồng/người/tháng đối với học sinh ở thành thị, học sinh nông thôn là 100 nghìn đồng/người/tháng.
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Bằng 2 lần mức thu học phí này.
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Bằng 2,5 lần mức thu học phí quy định này.
Mức này cao hơn 3 lần so với năm học 2021-2022. Tuy nhiên theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, mức đề xuất thu học phí này là thấp nhất so với quy định tại Nghị định số 81/2021-NĐ-CP của Chính Phủ.
Với đặc thù là địa phương có đông lao động ngoại tỉnh, tỉnh đã tính toán các yếu tố an sinh nên đã chọn mức sàn thấp nhất. Mức này được HĐND tỉnh đồng ý cho xây dựng dự thảo nghị quyết. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết về học phí năm học 2022-2023 cũng nêu rất rõ, Bình Dương chỉ thực hiện đúng chỉ đạo của Chính Phủ, không phải là tăng học phí theo lộ trình. Việc tăng là do chủ trương từ Chính Phủ xuống - Bình Dương chọn mức sàn thấp nhất.
UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, trong các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục thì ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức thu học phí hợp lý sẽ tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Học phí là nguồn bổ sung tài chính quan trọng góp phần cùng với ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh và thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa nhà nước, xã hội và người học để chi phí dạy và học ở các trường đạt mức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo đánh giá, Bình Dương là tỉnh phát triển kinh tế, tập trung khoảng 1,6 triệu lao động. Tuy nhiên, tỉnh lại đông lao động nhập cư, chiếm khoảng 80% lao động là người ngoài tỉnh. Đa số người lao động chưa có nhà ở ổn định, còn đi ở trọ. Hai năm qua, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Việc học phí thu cao hơn năm trước sẽ tăng áp lực cuộc sống lên các gia đình công nhân lao động có con cái ở độ tuổi ăn học.
Tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang nghiên cứu để đưa ra thêm các chính sách an sinh đối với người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn.