Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Theo đó, điểm đáng chú ý trong chính sách tiền lương là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Và giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Như vậy, sau khi giáo viên là viên chức có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm, lương giáo viên được tăng thêm 7%.
Đang trong quá trình đến gần hơn với ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, Nguyễn Phương Thúy - sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, bản thân nhận thức rõ được trách nhiệm của nghề giáo đối với xã hội. Vì vậy, trong quá trình học tập, bản thân luôn nỗ lực để sau này tìm được công việc tốt, xứng đáng.
"Nghề giáo là nghề cao quý, giáo viên là người có trọng trách cao cả trên hành trình trồng người. Tuy vẫn có nhiều lời ra tiếng vào về câu chuyện lương và chế độ đãi ngộ, nhưng tôi vẫn nhất mực đi theo ước mơ, nỗ lực vươn lên, đợi một ngày được đứng trên bục giảng" - Thuý nói.
Nữ sinh cũng cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương, ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp không chỉ là tin vui với đội ngũ giáo viên đứng lớp mà còn là tin mừng với thế hệ trẻ tiếp bước phía sau.
"Điều đó chứng minh Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, là động lực để thế hệ trẻ chọn theo ngành, cống hiến với ngành Giáo dục" - Thuý khẳng định.
Cùng quan điểm, Vi Thanh Thùy - sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, việc tiếp tục được tăng lương sau cải cách tiền lương là động lực rất to lớn.
"Sinh viên sư phạm rất được quan tâm, mình được miễn giảm học phí, ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đó là sự động viên, là sự thu hút nguồn nhân lực cho ngành.
Trong tương lai, tiền lương, thưởng và chế độ đãi ngộ tiếp tục tăng được kỳ vọng sẽ tạo độ hot cho ngành học, các bạn trẻ có động lực làm việc đúng ngành học, rồi sau đó bám trụ và công hiến lâu dài" - Thuỳ bộc bạch.
Nhiều sinh viên cũng cho rằng, tăng lương và chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nóng trong ngành như: hạn chế tình trạng bỏ việc, chuyển việc; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; giúp giáo viên yên tâm cống hiến hết sức mà không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì chặt.