Tại Hà Nội, toàn bộ học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhóm trẻ mầm non tư thục; học viên trung tâm ngoại ngữ, tin học và sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ tiếp tục nghỉ học từ ngày 16.3 đến hết ngày 29.3.2020.
Riêng học sinh trung học phổ thông nghỉ từ ngày 16.3 đến hết ngày 22.3.2020.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho phép học sinh, học viên các cơ sở giáo dục nghỉ học đến hết ngày 5.4.
Hiện có 35 tỉnh, thành cho học sinh từ cấp trung học cơ sở trở xuống nghỉ đến cuối tháng 3, hoặc nghỉ đến khi có thông báo mới.
Dưới đây là lịch đi học, nghỉ học của học sinh cả nước, cập nhật đến 15h ngày 14.3:
Do học sinh nghỉ học kéo dài, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2).
Theo đó, thời điểm kết thúc năm học là trước ngày 15.7.2020. Thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8.8 đến 11.8.2020.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, truyền hình một cách phù hợp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua Internet có chất lượng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua internet (thông tin liên hệ có tại địa chỉ https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn).
Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó lưu ý: Lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chủ động liên hệ với các địa phương đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập; chia sẻ các chương trình dạy học trên truyền hình của địa phương mình với các địa phương khác.
Đồng thời, phải xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Khi học sinh đi học trở lại, Sở Giao dục và Đào tạo cần chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình.
Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.