Tại Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đồng ý cho học sinh từ lớp 7 - 12 trên địa bàn trở lại trường học từ ngày 7.2. Các cơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh trở lại phải đạt "mức an toàn rất cao" theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học. Phải có kế hoạch, phương án chống dịch được trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện phê duyệt.
Phải tổ chức lớp học giãn cách tối đa có thể, dạy học nhiều ca trong ngày. Chủ động bố trí sắp xếp khối học buổi sáng, các khối còn lại học buổi chiều (học buổi tối đối với các trung tâm) nhằm giảm số lượng người tập trung cùng một thời điểm tại các cơ sở giáo dục.
Tại Tây Ninh, học sinh THCS từ lớp 7 - 12 sẽ trở lại trường học tập trực tiếp bắt đầu từ ngày 7.2. Đến ngày 14.2, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức đón trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh từ lớp 1 - 6 trở lại trường.
Ở Hà Nội, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở khu vực được đánh giá dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 đến trường từ ngày 8.2. Học sinh từ lớp 6 trở xuống duy trì việc học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.
Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 tổ chức dạy học trực tuyến. Học sinh cư trú tại 2 khu vực này không đến trường học mà ở nhà học online. Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.
Thành phố cũng đưa ra các quy định để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi mở cửa trường học như giáo viên phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, trường chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kịch bản ứng phó.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại các địa phương để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phối hợp Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức cho học sinh trở lại trường học.
Tại TPHCM, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 7.2, các trường sẽ chuẩn bị công tác đón trẻ mầm non và học sinh tiểu học, lớp 6 trở lại học trực tiếp.
Từ ngày 10.2 đến 13.2, trường họp phụ huynh, học sinh, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, tập huấn phòng, chống dịch cho giáo viên, nhân viên.
Từ 14.2, các trường bắt đầu đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp phụ huynh chưa đồng thuận, học sinh tiếp tục học trên môi trường Internet, truyền hình, giao bài tự học.
Tại Đà Nẵng, Sở GDĐT Đà Nẵng vừa có hướng dẫn việc tổ chức dạy học trực tiếp sau Tết Nhâm Dần 2022. Cụ thể, học sinh, học viên từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường, trung tâm đi học trực tiếp từ ngày 7.2. Với trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 6, căn cứ hướng dẫn của các cấp và tình hình thực tế, Sở thông báo sau.
Tại Hải Phòng, UBND TP đồng ý cho học sinh THCS, THPT, GDTX học trực tiếp từ ngày 7.2. Với cấp mầm non, tiểu học, căn cứ tình hình dịch bệnh của từng địa phương đến cấp xã, phường, UBND các quận, huyện quyết định việc triển khai dạy học trực tiếp trước ngày 14.2.
Xem thêm lịch đi học trực tiếp của học sinh các tỉnh thành khác TẠI ĐÂY.
Tính đến ngày 25.1, cả nước hiện có 14 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp. 30 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. 19 địa phương dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vẫn đang tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đi học trở lại.
Theo Bộ GDĐT, dự kiến đến ngày 7.2.2022 sẽ có tổng số 17.124.278 học sinh được đến trường, chiếm tỉ lệ 75,71%.