
Tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc được xem là nơi xa nhất của TP.Đà Nẵng, các em học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc học trực tuyến khi thiết bị công nghệ cao không có nhiều, đường truyền kém, sóng chập chờn...
Em Đinh Thị Minh Phượng (trú thôn Tà Lang) học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, đi bộ khoảng 3km từ nhà xuống nhà Gươl (nhà văn hoá - sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu) thôn Tà Lang để chuẩn bị cho buổi học “đặc biệt” của mình.
Em Phượng nói ba mẹ em đi làm rẫy nên gia đình khó khăn, không có đủ điện thoại thông minh để học trực tuyến như các vùng khác. Chính vì thế, từ khi trường tổ chức học trực tuyến đến nay, hàng ngày em đều phải dậy sớm rồi xuống nhà Gươl để học cùng bạn. Đến trưa tranh thủ về để nấu cơm cho em ăn.
“Học trực tuyến tại nhà Gươl của thôn như thế này em rất thích và được thầy cô hướng dẫn rất nhiều nên tiếp thu bài đầy đủ. Tuy nhiên, chúng em chỉ mong muốn là sớm được đến trường gặp bạn bè và thầy cô để học” - Phượng nói.
Thầy Phạm Minh Vũ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) cho biết, trường có 65 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu ở hai thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí. Đa phần học sinh có hoàn cảnh khó khó khăn, nên nhà trường đã bàn với người dân cho các em học online tại nhà Gươl.
“Được người dân ủng hộ, nhà trường đã bố trí 2 dàn máy tính tại 2 nhà Gươi của thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí, để các em học sinh đồng bào đến học. Các trường hợp như không có trang điện thoại, hoặc điện thoại cũ… thì đều có thể đến học" - thầy Vũ chia sẻ.
Ngoài ra, có một số em học sinh người Kinh chưa có trang thiết bị, trường cũng vận động các em học sinh này đến nhà bạn để học tạm thời.