Nhiều trường đại học tiếp tục tổ chức thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), bài kiểm tra tư duy để tuyển sinh trong năm 2021 như: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội… Riêng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gọi bài thi riêng của mình là bài thi Kiểm tra tư duy.
Ba kỳ thi riêng này có quy mô, cách thức đánh giá khác nhau nhưng tựu trung đều nhằm mục đích tiến tới tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh theo cách thức tiên tiến, đề thi có tính phân hóa cao, đánh giá được đúng năng lực của học sinh THPT, từ đó giúp các em biết được ưu thế của mình, góp phần giúp các em biết được nên chọn nghề gì cho phù hợp.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQGHN cho biết: "Ngân hàng đề thi của ĐHQGHN có tới 12.000 đến 15.000 câu hỏi, khi thi đảm bảo mỗi em có một đề thi riêng. Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy của học sinh, do đó sẽ cung cấp đủ thông tin để các em có thể phân tích, trả lời".
Trước những thắc mắc của phụ huynh và học sinh về việc nhà trường có tổ chức khóa ôn thi hay không, GS Tiến Thảo khẳng định: "Trung tâm khảo thí ĐHQGHN không tổ chức ôn thi hay tổ chức bất kỳ hoạt động liên quan đến ôn luyện, thi thử bài thi ĐGNL (ngoại trừ mẫu bài thi sẽ công bố ngày 15.3.2021).
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, chuyên gia, công tác viên của Trung tâm khảo thí cam kết không tổ chức bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bài thi ĐGNL".
Với các thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi ĐGNL, GS Tiến Thảo đưa ra lời khuyên: "Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng cũng như học gì thi nấy kiểu ngày xưa. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi".
Đánh giá năng lực chính thức của ĐHQGHN tổ chức 6 đợt đã được xác định thời gian, bao gồm: đợt 1 diễn ra trong 2 ngày 08 - 09.5; đợt 2 tổ chức trong thời gian 22 - 23.5, thời gian tổ chức các đợt 3-4-5 và 6 lần lượt là: 05 - 06.6; 12 - 13.6; 10 - 11.7 và 24 - 25.7. Kỳ thi ĐGNL 2021 không giới hạn số lần dự thi của thí sinh. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn cách nhau tối thiểu là 28 ngày.
Thí sinh phải làm tuần tự từ phần 1 (Tư duy định lượng) đến phần 2 (Tư duy định tính) rồi sang phần 3 (Khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi ở phần 1.
ĐHQGHN không yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển. Kết quả bài thi này được sử dụng để tuyển sinh đại học. Ngoài ra, nhà trường vẫn duy trì xét tuyển thẳng cũng như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.