Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Bích Dung (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm đồng sáng lập Hệ thống Trường liên cấp Newton) nhân kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11:
Thưa bà, vì sao bà lại theo đuổi nghề dạy học?
- Từ bé tôi vẫn thích chơi trò chơi làm cô giáo. Tôi rất kính phục những thầy cô dạy mình. Trong những năm học cấp 3, tôi tình nguyện tham gia lớp dạy chữ cho những người chưa đi học tại Khối 84 - phường Cửa Nam và tôi rất thích.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Toán, tôi dạy Toán và dạy lập trình tại khoa Toán - ĐH Mỏ Địa chất và gắn bó 13 năm. Sau đó, tôi đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Tôi có 12 năm ở nước bạn vừa học vừa làm kinh tế.
Năm 2008, sau khi gặp lại các thầy giáo cũ, tôi chính thức quay trở lại với giáo dục và cùng nhau mở trường Newton.
Xin bà nói rõ hơn về mô hình Lớp học thông minh và phong trào Nhà giáo truyền cảm hứng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, với định hướng hội nhập quốc tế, trường Newton đã dành nhiều sự quan tâm cho các môn Ngoại ngữ, Toán hay Công nghệ thông tin. Và đại dịch COVID-19 chính là phép thử lớn nhất. Thời điểm đó, với nền tảng sẵn có, chúng tôi đã áp dụng hiệu quả hình thức dạy và học online, qua đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như phụ huynh học sinh.
Hiện nay dù dịch đã qua đi nhưng Hệ thống Trường liên cấp Newton vẫn đang triển khai rộng rãi hình thức dạy và học online với tất cả các lớp, các khối.
Là một nhà giáo với hơn 30 năm trong nghề, tôi luôn mong muốn đưa các tiết học có khái niệm phức tạp, khó hiểu thành đơn giản, dễ hiểu. Từ đó chúng tôi phát động phong trào cho toàn trường: “Nhà giáo truyền cảm hứng” để khuyến khích giáo viên nghiên cứu bài học để giảng dạy cho học sinh được hấp dẫn hơn, được dễ hiểu hơn.
Để thực hiện được thì cần xây dựng “Tiết dạy mẫu truyền cảm hứng”, ở đó tôi lấy bài toán lớp 11 và bóc tách nó ra một cách thật đơn giản để dạy cho học sinh lớp 5. Đây là tiết học mà giáo viên và học sinh đều hứng thú bởi rất hấp dẫn, thực tế và gần gũi.
Bà cảm nhận như thế nào về danh hiệu vừa đạt được?
- Lúc đầu khi nhận thông báo, tôi nghĩ đó đơn giản chỉ là một dạng báo cáo về cách làm hay từ cơ sở. Sau đó thì nghe tin giải pháp của tôi lọt vào vòng 1, rồi vòng 2, rồi lại đến vòng có cả hội đồng mời đến để phản biện thì lúc này mới chợt lo lắng: “Mình bằng này tuổi rồi. Đã ngồi biết bao hội đồng bình xét, chấm điểm các giáo viên giỏi. Lỡ lần này mà không ra gì thì không biết làm sao?".
Sau đó tôi đã mất đúng 2 đêm để làm bản thuyết trình. Khi biết được mình đạt điểm cao nhất thì tôi vui lắm, rất tự hào.
Có một chi tiết thú vị là hầu hết thành viên Ban giám khảo đều trẻ hơn tôi. Và họ tỏ ra rất thích thú khi nghe tôi - một người đứng tuổi - lại đi thuyết trình về một thứ đáng lẽ phải là sở trường của người trẻ: đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ vào dạy học. Nhưng tôi lại rất tự tin vì đó chính xác là những gì chúng tôi đang và đã áp dụng thành công tại Newton.
Trong bối cảnh nhiều giáo viên xin thôi việc để chuyển sang lĩnh vực khác vì cho rằng mức lương quá thấp, bà có suy nghĩ và lời khuyên gì?
- Tôi nghĩ ở thời đại 4.0 này thì mọi khoảng cách đều có thể san phẳng nhờ công nghệ. Giáo viên có thể dạy online, xa gần cũng như nhau. Các giáo viên trẻ cần tự nâng cấp bản thân, kiến thức, kỹ năng, để có thể dạy học ở bất cứ đâu. Trường tôi hiện cũng thuê nhiều giáo viên chỉ để họ dạy online, và thực tế thu nhập của họ được cải thiện đáng kể.
Xin cám ơn bà!
Ngày 7.11.2023, Sở GDĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức lễ trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7.
Trong 135 nhà giáo (đại diện cho hơn 124.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục Thủ đô) được vinh danh lần này, 41 người được lựa chọn vào vòng chung kết. Và bài thuyết trình về “Lớp học thông minh”; “Nhà giáo truyền cảm hứng”... của bà Lê Thị Bích Dung xuất sắc nhận được điểm số cao nhất với 97 điểm.
Cũng trong tháng 10.2023, bà Lê Thị Bích Dung vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng GDĐT Lê Kim Sơn vì đã có thành tích trong đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.