Đến với nghề "gõ đầu trẻ" là một cơ duyên, nhưng ở lại miền đất đỏ bazan để tiếp tục cống hiến là cả một quá trình dài của cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều - giáo viên Trường THCS -THPT Lê Hữu Trác (Đắk Ngo, Tuy Đức, Đắk Nông). Động lực lớn nhất giúp cô bám lớp chính là tình cảm của các em học sinh nơi đây.
Đã hơn 14 năm công tác trong nghề, nhưng ngày 20.11 năm nào cũng khiến cô Mỹ Kiều bất ngờ và ngập tràn niềm vui. Mùa hiến chương nhà giáo năm nay, cô hạnh phúc vô bờ bến khi các em rất quý trọng và yêu thương thầy cô.
"Học sinh thơ ngây dành tặng những bài thơ, bài hát. Có em tặng cô bó hoa xuyến chi ven đường, khúc mía hay bịch ổi. Nhiều em là người dân tộc H'Mông, ngại ngùng tặng cô bánh dày, dưa chuột mà thấy yêu thương vô cùng" - cô Mỹ Kiều rạng rỡ.
Cùng chung cảm xúc, cô Nguyễn Thị Thuỷ - giáo viên Trường PTDTBT THCS Pa Cheo (Lào Cai) chia sẻ, 100% các em là người dân tộc H'Mông, hoàn cảnh còn khó khăn, đa phần là hộ nghèo nhưng các em luôn biết ơn và tri ân thầy cô. Điều đó là động lực to lớn, giúp cô Thuỷ nỗ lực trong sự nghiệp trồng người ở vùng sơn cước xa xôi.
"Món quà của các em là những đoá hoa rừng, bắp ngô, su su gia đình tự trồng. Tôi rất vui và hạnh phúc khi nhận món quà bình dị đó. Học sinh tặng cô bằng cả tấm lòng, tôi nghẹn ngào và tự nhủ phải cố gắng giúp các em có một tương lai tươi sáng, hoà nhập và tự tin hơn” - cô Thuỷ xúc động.
Cô Lò Thị Thầm – giáo viên Trường PTDTBT THCS Sín Chải (Điện Biên) cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi các em học sinh dành tình cảm cho cô giáo qua những lời chúc chân thành.
"Sống xa nhà, xa con nhỏ thật sự nhiều lúc cảm thấy tủi thân, nhưng chính tình cảm đơn thuần, giản dị của học sinh nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn người giáo viên.
Không có điều kiện để tặng thầy cô những món quà cầu kì, chỉ đơn giản là những mảnh giấy viết tay, ghi lại cảm xúc biết ơn thầy cô đã khiến tôi rưng rưng. Điều đó bù lại những lúc công việc áp lực, bù lại những khó khăn nơi sỏi đá khô cằn, bù lại cho nỗi nhớ gia đình” - cô Thầm bày tỏ.