Phùng Nguyễn Gia Hân - học sinh lớp 6CI4, trường Nguyễn Siêu - liên tục thốt lên “wow” khi được được quan sát không gian từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS thông qua công nghệ thực tế ảo. Gia Hân cho biết, em từng đọc nhiều sách, xem nhiều tài liệu về khoa học vũ trụ và có ước mơ trở thành phi hành gia. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên em được tham gia một buổi trải nghiệm liên quan đến vũ trụ như vậy.
“Em rất bất ngờ vì cảm giác như đang ở Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS thật. Trải nghiệm giúp em quyết tâm cố gắng hơn để trở thành một phi hành gia trong tương lai” - nữ sinh nói.


Trong khi Gia Hân đang “đắm chìm” trong không gian của trạm vũ trụ thì Nguyễn Công Minh - học sinh lớp 4 trường Tiểu học Xuân Phương - cặm cụi thiết kế một phương tiện vận chuyển đá trên sao hỏa bằng bìa cát tông, nắp chai nhựa và ống hút. Hoạt động này giúp em học được cách tái chế và hiểu thêm về ứng dụng của cơ năng, lực đàn hồi trong việc chế tạo động cơ.
Còn Ngô Tuấn Hưng - học sinh lớp 5A1 Trường Tiểu học Quốc Tế Alaska - đang bắt tay vào thiết kế mũ bảo hộ cho các phi hành gia. Tuấn Hưng được các cô giáo cung cấp thông tin về những bộ phận của một chiếc mũ bảo hộ ngoài không gian để rồi tự tay thiết kế chúng từ những vật liệu tái chế.
“Em tìm hiểu thì được biết một bộ đồ phi hành gia có giá khoảng 12 triệu USD. Em làm chiếc mũ này với mong muốn một ngày nào đó sẽ được mặc trên mình một bộ đồ thật của phi hành gia. Em cũng hy vọng lớn lên được nghiên cứu, phát triển robot và đưa robot lên vũ trụ” - nam sinh chia sẻ.


Đây là những hoạt động mà các học sinh được trải nghiệm tại Space Faire - ngày hội STEAM và khám phá vũ trụ do True North School và Q4 Excellence - đối tác của NASA tổ chức ngày 7.1. Ngoài ra, các em học sinh còn được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng về vũ trụ từ Trung tướng Phạm Tuân - phi hành gia, phi công và là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.
Buổi trải nghiệm có hơn 500 người tham gia, bao gồm cả học sinh và các phụ huynh.
