Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ TTTT, đại diện UBND TP.Hải Phòng, Sở TTTT, Sở GD&ĐT cùng với hơn 800 đơn vị, gần 3.000 đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến tại hơn 200 điểm cầu trực tuyến tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, tiểu học, mầm non, các phòng giáo dục quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Bùi Văn Kiệm, Hải Phòng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025, thành phố nằm trong nhóm tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số, theo xu hướng dựa vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, GD&ĐT là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu: Hệ thống hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, học bạ điện tử, bảng điểm điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… trở thành những thay đổi căn bản và thiết yếu. Vì thế, xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử sẽ tạo nền tảng vững chắc để chuyển đổi số sâu rộng trong lĩnh vực GD&ĐT.
Ông Vũ Đại Thắng – Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông Hải Phòng – cho biết: Hải Phòng đã có Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng năm 2030, với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chuyển đổi số lĩnh vực GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong lộ trình phát triển xã hội số.
Hiện tại, ngành GD&ĐT Hải Phòng đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu ngành đã được hình thành, hiện có trên 800 cơ sở giáo dục, trên 32.000 giáo viên và hơn 521.000 học sinh có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Việc sử dụng văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, hồ sơ tài liệu giấy.
“Tổ chức Hội thảo "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo" là hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số ngành GD&ĐT, nhằm triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử bảo đảm chính xác, tin cậy, an toàn” – ông Thắng nói.
Tại hội thảo, ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và đào tạo) đã trình bày những thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trên cả nước, định hướng chuyển đổi số giáo dục – đào tạo cùng những khuyến nghị dành riêng cho Hải Phòng. Theo ông Nam, việc khai thác tối đa tiến bộ công nghệ để giúp thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn, quản lý nhẹ nhàng hơn, đổi mới nhận thức và tư duy, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới quản lý là thước đo mức độ thành công của chuyển đổi số, hình thành những nền tảng giáo dục mở phục vụ cộng đồng, dựa trên sức mạnh cộng đồng.
Hội thảo cũng đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 800 điểm cầu về các nội dung liên quan đến định hướng về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, những vấn đề đặt ra khi chuyển đổi số,... Nhờ đó, những vấn đề và cách thức ứng dụng chữ ký số, lưu trữ, liên thông điện tử trong từng cơ quan cụ thể đã được gợi mở trong quá trình trao đổi, tọa đàm.