Học sinh người mất mạng, kẻ dính lao lý
Trưa 11.10, do mâu thuẫn từ trước, em Nguyễn Tiến T (học lớp 12, Trường THPT Lý Chính Thắng, đóng ở xã An Hòa Thịnh) trú tại xã An Hòa Thịnh cùng nhóm bạn của mình ngay sau khi tan học, trên đường về nhà đã chặn đánh em Phan Quang Minh (trú xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) học lớp 11 cùng trường. Trong lúc xô xát, Minh đã lấy dao thủ sẵn trong cặp đâm Nguyễn Tiến T tử vong trên đường đi cấp cứu.
Vụ việc ngay sau đó, Công an huyện Hương Sơn đã vào cuộc điều tra và tiến hành tạm giữ hình sự đối với Phan Quang Minh. Thông tin về vụ án mạng xảy ra giữa học sinh cùng trường với nhau gây xót xa, bức xúc cho người thân, nhà trường và xã hội.
Đáng nói, vụ án mạng xảy ra chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, thực hiện các giải pháp ngăn chặn nạn bạo lực học đường.
Trước đó, ngày 8.9, Công an huyện Hương Sơn cũng đã khởi tố bị can đối với Chu Thị Thu H (16 tuổi, học sinh lớp 11E, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn) về hành vi làm nhục người khác.
H được xác định đã dùng kéo cắt, lột trần hết quần áo và đánh đập em B.T.B.H (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 ở huyện Hương Sơn) tại con đường thuộc khu vực thôn Ngọc Sơn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn mặc cho nạn nhân khóc lóc van xin. Sự việc được quay clip phát tán lên mạng xã hội gây bức xức dư luận.
Ngày 9.9, Công an thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) cũng đã làm việc với nhóm nữ sinh Trường THCS Phan Huy Chú (thị trấn Thạch Hà) do đánh hội đồng, lột đồ một nữ học lớp 8 cùng trường. Vụ việc cũng được phát hiện sau khi xuất hiện clip tung lên mạng xã hội gây phẫn nộ.
Quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Tĩnh, nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường, về khách quan là do kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống của học sinh còn có hạn chế. Các em đang trong độ tuổi vị thành niên dễ có mâu thuẫn, các vụ việc kể trên đều do mâu thuẫn qua mạng xã hội nên gia đình, nhà trường khó phát hiện để ngăn chặn.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền về phòng ngừa bạo lực học đường, việc giáo dục, tư vấn hỗ trợ, giám sát, của gia đình, nhà trường vẫn còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội kết quả chưa cao...
Mặc dù, thời gian qua, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã phối hợp với các ban ngành, các địa phương hướng dẫn, triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Có một số cách làm hay đã được triển khai như Phiên tòa giả định; Diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; Câu lạc bộ tư vấn tâm lý...
Đối với các trường học để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, ngoài trách nhiệm trước pháp luật của người gây ra bạo lực học đường, gia đình thì còn trách nhiệm của nhà trường do chưa là tốt công tác tuyên truyền giáo dục, chưa kịp thời giám sát, nắm bắt, xử lý tình hình tâm lý, tình cảm, tính cách học sinh...
Thời gian tới, Sở GDĐT sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực học đường, tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện.
Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học; Quan tâm công tác tư vấn học đường; Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, nắm chắc tình hình học sinh, kịp thời ngăn chặn, xử lý các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra bạo lực học đường.
Phối hợp ngành công an, Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai tuyên truyền giáo dục pháp luật; mô hình “Phiên tòa giả định”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”… cho học sinh.
Chỉ đạo phòng GDĐT phối hợp tham mưu cụ thể với Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý đồng thời tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.