Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ: Loại bỏ những chứng chỉ không thực chất, tránh lãng phí

Đặng Chung |

Muốn bổ nhiệm, thăng hạng hoặc giữ hạng, giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chúng buộc phải có những tấm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… Những tấm chứng chỉ này được người trong cuộc thừa nhận là không thực chất, hoặc được cấp một cách dễ dãi, bằng các “gói chống trượt”, hay nói thẳng chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ.

Thời gian qua, Lao Động đã có nhiều bài viết vạch trần tình trạng bát nháo trong việc tổ chức thi cấp chứng chỉ. Các trung tâm đào tạo liên kết với trường đại học tổ chức các kỳ thi, học viên có nhu cầu đăng ký và đóng tiền. Có cảnh đi thi nhưng là cảnh hỗn loạn khi người hỏi bài, người chép bài, giám thị chỉ bài, thậm chí làm hộ cho thí sinh. Thi thật, bằng thật, nhưng là gian dối.

Việc này xảy ra ở Đại học Đông Đô, Đại học quốc tế Bắc Hà, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên và nhiều cơ sở giáo dục khác.

Trong bài viết “Gian lận thi chứng chỉ: Đến lúc cần "khai tử" kiểu chứng chỉ làm đẹp hồ sơ”, chúng tôi đã chỉ ra những bất cập trong việc thi-cấp các loại chứng chỉ này và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần có giải pháp để dẹp nạn chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, khai tử những loại chứng chỉ tiếng Anh A, B, C tồn tại từ năm 1993 đến nay vì quá lạc hậu, tạo kẽ hở cho trường trục lợi.

Cận cảnh những kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dối trá. Video: Nhóm PV

“Giáo viên nhịn ăn, nhịn tiêu để đi thi chứng chỉ làm đẹp hồ sơ”

Sau bài viết, chúng tôi nhận được “tâm thư” của giáo viên ở Hòa Bình, chia sẻ rằng thầy cô “cực chẳng đã” phải đi học và thi, phải chịu mất tiền cho những tấm chứng chỉ không thực chất. Từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cô chia sẻ rằng: “Khi đi học các lớp cấp chứng chỉ, tôi thấy có những vấn đề gây bức xúc cho giáo viên như nội dung học vô bổ, nhàm chán, kinh phí học 5 ngày để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là 2.500.000 đồng - quá cao so với mức lương của giáo viên.

Chưa kể những loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ lên đến vài triệu đồng. Giáo viên chúng tôi nhịn ăn, nhịn tiêu để đi học, đóng tiền chống trượt để đi thi lấy mấy loại chứng chỉ làm đẹp hồ sơ.

Tại sao sự việc xảy ra ở nhiều nơi, báo chí phản ánh, hàng ngàn giáo viên kêu cứu mà không có ban ngành chức năng nào vào cuộc gỡ bỏ gánh nặng cho giáo viên?”.

Câu hỏi của giáo viên ở Hòa Bình cũng là những lo lắng, băn khoăn của nhiều thầy cô khác. Giáo viên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cần căn cứ vào kết quả và chất lượng giảng dạy để xét thăng hạng chứ không phải kiểu dựa vào mấy cái chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề nghiệp) để thăng và giữ hạng như hiện nay.

Bộ Nội vụ cũng thấy "rất có vấn đề" và sẽ rà soát

Hiện nay, các Bộ, ngành đã ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm, thăng hạng là phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Trong quá trình ghi nhận, thâm nhập vào các đường dây gian lận thi chứng chỉ, chúng tôi đã nghe chính những người trong cuộc thừa nhận những chứng chỉ này là không thực chất, hoặc được cấp một cách dễ dãi, bằng các “gói chống trượt”. Nó chỉ mang tính chất đối phó và để có được chỉ cần "đi mua".

Đơn cử như câu chuyện các giáo viên ở Sóc Sơn, Hà Nội, sau khi có được chứng chỉ, nhưng bản thân các giáo viên khẳng định, nếu thi nghiêm túc thì chắc chắn sẽ trượt.

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hải Long- Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ - cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền quản lý về cấp chứng chỉ và sẽ chịu trách nhiệm. Bộ Nội vụ đã ban hành những Thông tư, hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng về vấn đề tuyển dụng viên chức. Địa phương nào làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ. Nghị định nêu rõ: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26). Muốn bỏ quy định về chứng chỉ thì Bộ Nội vụ phải đề xuất Chính phủ sửa Nghị định số 101.

Chúng tôi tiếp tục hỏi Bộ Nội vụ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: "Bộ Nội vụ sẽ bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rõ ràng việc này. Đã có quy định về chứng chỉ là phải mở lớp đào tạo cho công chức, viên chức; yêu cầu họ xác nhận trình độ thì phải chịu trách nhiệm trong việc xác nhận trình độ này. Nhưng từ việc ra quy định rõ ràng, cụ thể đến việc mở lớp đào tạo để có được chứng chỉ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm.

Còn về tình trạng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hiện nay, Bộ Nội vụ cũng thấy rất có vấn đề. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát, cắt giảm những chứng chỉ không thực chất".

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo:

"Quy trình để cấp một chứng chỉ phải tuân thủ một số bước nhằm đảm bảo chất lượng của chứng chỉ từ việc thiết kế chuẩn đầu ra (phù hợp khung năng lực ngoại ngữ đã phê chuẩn), thiết kế chương trình, chất lượng người dạy, thi kiểm tra đánh giá nghiêm túc, các điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, qui mô lớp học .. và thường phải chịu thanh tra chất lượng.... Những yêu cầu nghiêm ngặt của từng khâu như vậy cần tuân thủ.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở không làm như vậy, họ thường dạy theo vài giáo trình nào đó, thi kiểm tra cho có, rồi cấp chứng chỉ.

Về bản chất là những chứng chỉ không gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng thì không có mấy giá trị trên thực tế".

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Gian lận thi chứng chỉ: Đến lúc cần "khai tử" kiểu chứng chỉ làm đẹp hồ sơ

Nhóm PV |

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các trường móc nối, tổ chức những kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dối trá, bát nháo trong thời gian dài.  Những tấm chứng chỉ ngoại ngữ  A,  B,  C có được bằng việc mua-bán đã tồn tại hơn 25 năm qua, đã đến lúc cần phải "khai tử".

Gian lận thi chứng chỉ ở Thái Nguyên: Bộ Công Thương thành lập Tổ xác minh

PV |

Bộ Công Thương đã thành lập tổ xác minh thông tin lùm xùm liên quan đến Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch tại Thái Nguyên, sau phản ánh của báo Lao Động về kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ có nhiều gian lận tại trường này.

Chứng chỉ "làm đẹp hồ sơ": Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy "rất có vấn đề"

Thùy Linh |

Vấn đề chứng chỉ tin học ngoại ngữ được quy định trong tiêu chuẩn công chức, viên chức nhưng thực chất chỉ để cho có, để "làm đẹp hồ sơ"  tiếp tục làm nóng hội nghị về tuyển dụng công chức, viên chức của Bộ Nội vụ tổ chức ngày 15.8. 

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gian lận thi chứng chỉ: Đến lúc cần "khai tử" kiểu chứng chỉ làm đẹp hồ sơ

Nhóm PV |

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các trường móc nối, tổ chức những kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dối trá, bát nháo trong thời gian dài.  Những tấm chứng chỉ ngoại ngữ  A,  B,  C có được bằng việc mua-bán đã tồn tại hơn 25 năm qua, đã đến lúc cần phải "khai tử".

Gian lận thi chứng chỉ ở Thái Nguyên: Bộ Công Thương thành lập Tổ xác minh

PV |

Bộ Công Thương đã thành lập tổ xác minh thông tin lùm xùm liên quan đến Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch tại Thái Nguyên, sau phản ánh của báo Lao Động về kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ có nhiều gian lận tại trường này.

Chứng chỉ "làm đẹp hồ sơ": Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy "rất có vấn đề"

Thùy Linh |

Vấn đề chứng chỉ tin học ngoại ngữ được quy định trong tiêu chuẩn công chức, viên chức nhưng thực chất chỉ để cho có, để "làm đẹp hồ sơ"  tiếp tục làm nóng hội nghị về tuyển dụng công chức, viên chức của Bộ Nội vụ tổ chức ngày 15.8.