Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Muốn thành công trong khoa học, không thể “đơn thân độc mã”

Huyên Nguyễn |

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu vẫn luôn được nhắc tới là một nhân vật tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam. Trước thềm Lễ trao giải thưởng Vinh quang Việt Nam: Dấu ấn 30 năm đổi mới, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu về cơ duyên, những kỉ niệm sâu sắc và các bài học để thành công trong nghiên cứu khoa học.

- Thưa Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, trong suốt 60 năm qua, Giáo sư đã không ngừng nghiên cứu, cống hiến cho ngành Vật lý của Việt Nam và thế giới. Vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành khoa học này?

Tôi sinh ra và lớn lên tại thị xã Hà Đông, nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư về một làng ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tuy còn bé nhưng vì nhà nghèo nên tôi xin vào làm thợ phụ trong một xưởng dệt kim của một người đồng hương từ làng Cự Đà tản cư vào. Tôi thấy rằng chiếc máy dệt kim có năng suất lao động cao gấp mấy trăm lần năng suất lao động của người đan áo bằng tay, từ đó ước mơ một ngày nào đó, khi kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, tôi sẽ xin vào học một trường đại học về kỹ thuật.

Năm 1954, ngay sau khi tôi vừa học hết cấp 3 (nay là Trung học phổ thông) cũng là lúc Thủ đô được giải phóng, tôi cùng với gia đình trở về Hà Đông. Khi đó, Chính phủ mới chỉ thành lập tại Hà Nội 3 trường đại học là Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Sư phạm Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, chưa có trường đại học về kỹ thuật. Trường Đại học Sư phạm Khoa học có Khoa Toán lý, dạy Toán và Vật lý là chính. Chưa có dịp vào học một trường kỹ thuật, tôi thi vào Khoa Toán Lý Trường Đại học Sư phạm Khoa học và xin học ngành Vật lý, vì Vật lý gần với kỹ thuật nhất.

Thấm thoát thế mà đã hơn 60 năm trôi qua. Tôi đam mê học tập, nghiên cứu vật lý suốt từ năm 1954 cho đến ngày hôm nay.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, kỉ niệm sâu sắc nào khiến Giáo sư nhớ nhất trong cuộc đời nghiên cứu của mình?

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 cho đến khi về hưu, tôi được giao nhiệm vụ tham gia công tác quản lý tại Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Kỷ niệm sâu sắc mà tôi nhớ nhất là đã được chứng kiến việc xây dựng hệ thống điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên thoát lũ ra biển Tây dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vào thời kỳ những năm 90 thế kỷ trước, hàng năm vào mùa lũ thì một khối lượng nước lũ khổng lồ từ Campuchia chảy tràn vào Tứ giác Long Xuyên gây ngập lụt tác hại nặng nề cho cả vùng lãnh thổ phì nhiêu này, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa đề xuất được phương án mà lãnh đạo tất cả các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên đồng tình.

Trước tình hình đó Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một quyết định rất sáng suốt: Các nhà khoa học trong cả nước phải cùng “ráp vào”, phải hợp sức với các nhà thủy lợi trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tìm ra phương án tốt nhất được sự chấp thuận của lãnh đạo tất cả các địa phương. Khi đó, tôi đang làm công tác quản lý tại Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia và cũng được Cố Thủ tướng huy động “ráp vào” với các nhà thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (thứ hai từ trái sang) cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến thực tế xây dựng công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên (Ảnh: NVCC)

Với sự hợp tác khoa học trên quy mô quốc gia, giới khoa học Việt Nam đã nhất trí kiến nghị Chính phủ việc xây dựng hệ thống công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên thoát lũ ra biển Tây, mà kênh thoát lũ chủ yếu là kênh T5-Tuần Thống, đã được Hội đồng Nhân dân hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đặt tên là Kênh Võ Văn Kiệt.

Kỷ niệm về khoảng thời gian được tham gia xây dựng hệ thống công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây là kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi không bao giờ quên.

Những trăn trở, mong mỏi và dự định sắp tới của Giáo sư?

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, đất nước chúng ta đang phát triển nhanh, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đang và sẽ đạt được những thành tựu kỳ diệu, song cũng đang gặp phải hai thách thức lớn: Môi trường bị ô nhiễm chưa được khắc phục triệt để, và tác động ngày càng nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang rất nỗ lực thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để khắc phục sự ô nhiễm môi trường và ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Tôi mong rằng, lãnh đạo hai Bộ học tập kinh nghiệm của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt huy động tổng lực giới khoa học Việt Nam tham gia chương trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên những năm 90 thế kỷ trước và huy động tổng lực giới khoa học cả nước tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (ngoài cùng bên phải) tham gia đoàn công tác khảo sát vùng lũ An Giang năm 1997 (Ảnh: NVCC)

 

Theo ông, để thành công trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cần tập trung vào các yếu tố nào?

Theo kinh nghiệm của bản thân, để thành công trong khoa học trước hết phải có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phải nỗ lực học tập, theo dõi để biết được những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình và quyết chí nghiên cứu theo những hướng có triển vọng nhất. Để đạt được kết quả có giá trị lớn không thể “đơn thân độc mã” làm việc, mà phải cùng với các đồng nghiệp hợp tác nghiên cứu theo cùng một hướng, xây dựng tập thể nghiên cứu khoa học gồm những thành viên tâm huyết, trung thực và tận tụy.

Ông Nguyễn Văn Hiệu (SN 1938) là giáo sư, nhà Vật lý, và chính trị gia của Việt Nam. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VI, VII, và VIII; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V; đại biểu Quốc hội các khoá IV, V, VII, VIII, IX và X; nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, và nguyên chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông còn là hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Ông là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán học xuất sắc của Việt Nam; là Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3, TWAS.
Hiện nay, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được giới Vật lý châu Á bầu làm Chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết châu Á - Thái Bình Dương (trụ sở tại Pohang, Hàn Quốc).

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu là người "trẻ" nhất trong số các nhà khoa học Việt Nam được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, khi ông 58 tuổi. Ngoài ra, ông được tặng các giải thưởng danh giá khác như: Giải thưởng Lênin về khoa học; Huân chương độc lập hạng Nhất; Nhà giáo Nhân dân…

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu coi nghiên cứu khoa học là niềm vui và sự nghiệp suốt đời. Số công trình của ông lên tới trên 200, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn…

Huyên Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.