Vụ gian lận thi cử chấn động xảy ra tại Hà Giang khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, một quy trình chấm thi chặt chẽ như vậy tại sao lại xảy ra sai phạm lớn. Vậy kẽ hở nào tạo điều kiện cho tiêu cực?
Theo đó, để đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho việc chấm thi, Bộ GĐĐT cử thanh tra chấm thi cắm chốt tại Hà Giang và cán bộ giám sát chấm thi đến từ các trường đại học. Theo sự phân công của Bộ GD-ĐT, Học viện Ngân hàng đã cử 2 cán bộ lên Hà Giang làm nhiệm vụ là ông Nguyễn Tiến Sinh - cán bộ Phòng Thanh tra Quản lí chất lượng của Học viện Ngân hàng và ông Phạm Việt Phương -Phó trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Nhiệm vụ của 2 cán bộ trên do Hội đồng thi của Hà Giang trực tiếp phân công.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Việt Phương cho biết, ông được phân công làm Phó trưởng ban chấm thi, phụ trách chấm thi môn Ngữ văn, còn ông Sinh được phân công là thành viên của tổ chấm thi trắc nghiệm với vai trò là cán bộ giám sát.
Trong quá trình thu nhận đề thi, bài thi từ các điểm thi về điểm chấm thi và thực hiện công tác chấm thi tại điểm thi Hà Giang, ông Phương khẳng định, mọi công đoạn đều được thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát chặt chẽ của nhiều thành viên trong hội đồng thi.
Liên quan đến việc hai cán bộ của ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) là thanh tra chấm thi cắm chốt tại Hà Giang nhưng lại không có mặt ở nơi chấm thi, ông Phương cho biết, có nghe 2 cán bộ của ĐH Tân Trào nói rằng có việc quan trọng ở trường nên được điều động về.
“Tôi cũng nói chuyện với 2 anh ấy là nên cân nhắc có về không trong lúc đang làm nhiệm vụ. Còn việc 2 cán bộ này báo cáo cho ai, xin phép ai để về thì tôi không rõ”, ông Phương nói.
Dù vắng mặt 2 thanh tra chấm thi nhưng ông Phương khẳng định, buổi chấm thi hôm đó vẫn diễn ra an toàn, nghiêm túc bởi mỗi cán bộ tham gia trong ban chấm thi đều ý thức được trách nhiệm của mình. Còn việc gian lận sửa điểm thi cho thí sinh là “lỗi do cố tình”, người đó đã chủ đích làm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Hơn nữa, đối với chấm trắc nghiệm, chỉ có một người được tiếp xúc trực tiếp với máy tính, “đây chính là lỗ hổng để người có ý đồ xấu lợi dụng”.
“Ngay khi bước chân lên điểm thi Hà Giang, tôi đã băn khoăn và có ý kiến về việc nên có một máy tính mới phục vụ quá trình chấm thi nhưng chúng ta cũng hiểu, điều kiện của Hà Giang không cho phép điều đó”.
Theo ông Phương, ông Sinh đã chia sẻ rằng, ông Vũ Trọng Lương (người trực tiếp can thiệp sửa 330 bài thi) có chút không hài lòng, cáu giận với ông Sinh trong ngày đầu công tác giám sát chấm thi.
“Ông Sinh cũng có trao đổi với tôi về việc này nhưng tôi có nói với ông Sinh là cứ làm đúng theo quy định một cách nghiêm túc. Nếu có vấn đề gì thì cứ trao đổi trực tiếp với trưởng ban chấm thi”, ông Phương nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Sinh - cán bộ Phòng Thanh tra Quản lí chất lượng của Học viện Ngân hàng, giám sát chấm thi trắc nghiệm ở Hà Giang - cho biết: “Khi sự việc xảy ra, tôi được yêu cầu trở lại Hà Giang theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ có yêu cầu giải trình tất cả những phần việc tôi đã làm, tôi đã có giải trình đầy đủ, có văn bản đầy đủ hết”.