Mới đây, Dự thảo Quyết định thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030 đã được Bộ LĐTBXH gửi các bộ, ngành xin ý kiến góp ý.
Ít nhất 85% người học có việc làm
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016, bộ đã thực hiện tiếp nhận và bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Tại thời điểm nhận bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố còn dàn trải, chồng chéo, chất lượng không đồng đều. Việc tự chủ rất hạn chế, nhiều trường trung ương và địa phương cùng đào tạo ngành, nghề giống nhau trên cùng một địa bàn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đạt chuẩn theo quy định.
Xuất phát từ thực tiễn trên, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết, cấp bách góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện, có bước đột phá về cơ cấu và nâng cao chất lượng đào tạo. Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Dự thảo tờ trình, một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là giảm dần số đầu mối cơ sở GDNN (hay còn gọi là trường nghề) công lập, nhưng tăng dần quy mô tuyển sinh. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%). Đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Cơ cấu lại các trường nghề
Dự thảo nêu rõ: Bộ LĐTBXH sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập. Trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.
Cũng theo Dự thảo đối với các trường cao đẳng, trung cấp có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp cần thiết phải xem xét để sáp nhập với các trường khác thì phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động hiệu quả sau sắp xếp và được sự đồng thuận của các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó là sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện, và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ XXI” diễn ra hồi tháng 6, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã nhận định cần phải sắp xếp lại để đảm bảo nguồn nhân lực. TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng, giáo dục nghề nghiệp phải gắn liền với chiến lược việc làm. Trong nền giáo dục luôn có sự mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tiếp cận với các doanh nghiệp. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã có tác động đến giáo dục nghề nghiệp và việc làm, tạo ra hiệu ứng triệt tiêu và hiệu ứng căn bản.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới ngày càng quyết liệt hơn. Trong bối cảnh đó, nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước. Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, Việt Nam phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng.
Sau sáp nhập, hàng loạt trung tâm dạy nghề bỏ hoang
Tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, hàng loạt trung tâm dạy nghề trước đây được đầu tư hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước giờ nằm bỏ hoang, gây lãng phí.
Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình), sau khi sáp nhập vào tháng 9.2017, trụ sở Trung tâm dạy nghề của huyện đóng cửa bỏ hoang, không người trông coi. Được biết, trụ sở Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư được đầu tư xây dựng trên diện tích 5.000m2, với tòa nhà 2 tầng, 28 phòng học kiên cố.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tỉnh Ninh Bình - cho hay: Trước khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Ninh Bình có 7 trung tâm dạy nghề và 1 trường Trung cấp nghề Nho Quan. Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã phân bổ trên 32 tỉ đồng để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Thực tế trước đây, hầu hết các trung tâm dạy nghề vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả. Nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng giẫm chân lên nhau. Các trung tâm mới chỉ dạy những gì mình có chứ chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc không đủ nguồn nhân lực, trong đó thiếu giáo viên cơ hữu khiến công tác định hướng, lựa chọn nghề mũi nhọn làm thế mạnh của mỗi trung tâm không thực hiện được… Đây được đánh giá là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn.
“Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, toàn bộ trang thiết bị, máy móc cũng như cán bộ giáo viên tại các trung tâm dạy nghề này được chuyển về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy, trụ sở của các trung tâm dạy nghề cũ vẫn đang dư thừa, bỏ không” - ông Tuyến nói.
NGUYỄN TRƯỜNG