Thậm chí, nhiều người còn đề xuất nên để học thêm biến mất vĩnh viễn khỏi môi trường học đường.
Loạt bài phản ánh tình trạng các trường học liên kết với trung tâm, đơn vị tư nhân bên ngoài để dạy thêm do Báo Lao Động thực hiện trong thời gian qua đã nhận về nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ phía bạn đọc.

Cũng từ đây, mức hoa hồng mà các trường nhận được sau khi tổ chức thành công một lớp học thêm được hé lộ. Điều này khiến phụ huynh nghi ngại đặt câu hỏi, nếu không có phần trăm hoa hồng, liệu các trường có nhiệt tình liên kết với đơn vị bên ngoài hay không. Bởi vì khi kết nối với một đơn vị ngoài trường, phụ huynh khó có thể kiểm định hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Cho nên, nhiều người có chung quan điểm cần thẳng tay đưa học thêm biến mất khỏi môi trường học đường. Sau bài viết Hé lộ mức hoa hồng khủng chi cho các nhà trường từ dạy thêm, nhiều bạn đọc cho rằng để giải quyết được vấn đề học thêm, dạy thêm điều quan trọng nhất là phụ huynh phải hợp lực với nhau.
“Rất cần một cuộc tổng càn quét có sự chung tay của phụ huynh toàn quốc mới hy vọng dẹp được loạn kiếm tiền bất chấp từ hình thức dạy thêm/dạy nếm này” - bạn đọc Trần Hiền cho hay.
Đồng quan điểm với bạn đọc Trần Hiền, bạn đọc Đặng Minh Quang đề xuất giải pháp như sau: “Chúng ta cần phải mạnh tay hơn, nếu viết đơn mà Bộ không giải quyết thì cùng nhau đến trực tiếp cơ quan làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thống nhất là ai có tiền thì chuyển trường con sang trường tư học, tốn kém một chút nhưng đảm bảo chất lượng. Còn những người có mức thu nhập thấp hơn thì hãy để con học đúng chuẩn chương trình không có tự nguyện gì hết”.
Bạn đọc Nguyễn Minh Chi đã đưa ra giải pháp khá cụ thể:
“Cần có quy định xử phạt nghiêm như tước nghề may ra mới đủ tính răn đe. Các thầy cô giáo đừng đổ lỗi cho thu nhập thấp mà cho mình quyền lộng hành lạm thu vô bổ như thế.
Trước tiên, chúng ta phải sửa từ gốc: các bài kiểm tra/thi đừng không nên mang tính thách đố kiểu “không thầy đố mày làm nên”, không học thêm không làm được... Nên kiểm định định kỳ đạo đức đứng lớp và thẩm định cái tâm, cái tầm của các giáo viên hằng năm trước khi đi vào năm học. Chứ đứng lớp mà tâm không có thì hậu quả sẽ rất tệ”.
Bên cạnh đó, bạn đọc Sơn Nguyễn cũng đề xuất rằng, nếu việc nghiêm cấm dạy thêm dưới mọi hình thức không đạt hiệu quả thì cứ trường nào cố tình vi phạm hãy tiến hành cách chức hiệu trưởng và phạt số tiền gấp đôi mà họ đã bắt học sinh của mình đóng vào.
Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Thư đánh giá việc giải quyết vấn đề trường học liên kết với trung tâm bên ngoài rất dễ, nhưng quan trọng các đơn vị chịu trách nhiệm có muốn thực hiện hay không. Trường nào ra quy định ép học sinh học thêm thì cách chức Ban giám hiệu nhà trường, làm thí điểm ở một số trường là hết bệnh lạm thu.
Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh tình trạng các trường học liên kết với các trung tâm, đơn vị tư nhân bên ngoài để dạy thêm. Dù nói là tự nguyện đăng kí, nhưng thực chất, các trường sắp xếp các tiết học thêm này xen kẽ chương trình chính khoá, học sinh không đăng kí sẽ phải di chuyển sang phòng khác. Sự bất hợp lí này khiến phụ huynh rất khó từ chối đăng kí tham gia.
Phụ huynh theo dõi các bài viết của Báo Lao Động về việc trường học ngang nhiên biến giờ dạy thêm thành giờ học chính khoá qua các bài viết:
- Hàng loạt lớp học thêm gắn mác tự nguyện, phụ huynh phải đóng phí chồng phí
- Hé lộ mức hoa hồng khủng chi cho các nhà trường từ dạy thêm
- Bất ngờ với lợi nhuận của ISMART - đối tác liên kết dạy tiếng Anh với 500 trường học