"Khó trăm bề"
Đó là lời than của nhiều giáo viên khi đọc những yêu cầu cần đạt để được thăng hạng lên giáo viên hạng I, II, được hệ số lương cao theo quy định xếp lương mới.
Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố 4 Dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến THPT công lập thì đội ngũ nhà giáo đã "đứng ngồi không yên" với hàng loạt các tiêu chí mà rất ít giáo viên nào có thể đạt được.
Không chỉ có thế, ngoài yêu cầu tiêu chuẩn cao, theo quy định hiện hành, giáo viên muốn được thăng hạng thì còn phải dựa theo chỉ tiêu, đề xuất của trường, địa phương.
Cụ thể, 1 trong 3 tiêu chuẩn, điều kiện đăng kí dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kì xét thăng hạng.
Như vậy, giáo viên các cấp học muốn được thăng lên hạng II, hạng I còn phụ thuộc vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương.
Tức là ngoài hàng loạt tiêu chí rất khó để đạt được như các bài phân tích trước của Lao Động thì ngay cả khi đạt được các tiêu chí này rồi mà địa phương chưa có nhu cầu, vị trí việc làm hay tổ chức xét thăng hạng... thì cũng khó có cơ hội. Như vậy, sẽ rất khó khăn để giáo viên có thể với tới bảng lương cao.
Lo giảm thu nhập
Theo Dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, giáo viên hạng IV và hạng III vẫn được tính hệ số theo quy định hiện hành, lâu nay giáo viên các cấp học đang hưởng. Việc tăng bậc lương chỉ được áp dụng với giáo viên hạng II, I.
Trong khi đó, như đã phân tích, sẽ rất ít giáo viên có thể đạt được chức danh nghề nghiệp hạng này. Chính vì thế, nếu như phụ cấp thâm niên bị cắt thì thu nhập của nhiều giáo viên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là giáo viên có thâm niên công tác cao.
Thu nhập của giáo viên được tính theo công thức: Thu nhập = Tiền lương theo vị trí việc làm + phụ cấp đặc thù nghề - đóng bảo hiểm.
Vì mất đi khoản phụ cấp thâm niên nên mức lương cơ sở dù có được điều chỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay thì tổng thu nhập của nhà giáo sẽ bị giảm đáng kể. Đặc biệt là những nhà giáo có thâm niên giảng dạy từ 20 năm trở lên.
Tuy vậy, nếu nhìn ở góc cạnh khác, khi các thầy cô giáo được trả lương theo vị trí việc làm đồng nghĩa là hết cái thời "sống lâu lên lão làng" sẽ là động lực cho mọi người phấn đấu, tạo sự bứt phá đổi mới cho ngành Giáo dục.
Những tư tưởng bằng lòng, không có động lực phấn đấu, không chịu làm việc ắt sẽ bị đào thải. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, giáo viên sẽ phải thay đổi.