Đặt tiêu chí khi lựa chọn ngành nghề
Cơ hội việc làm và mức lương là hai yếu tố được nhiều sĩ tử đặt lên hàng đầu khi lựa chọn ngành học, trường học. Đây cũng là điều kiện được Nguyễn Châu Anh - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) ưu tiên khi chọn nguyện vọng xét tuyển.
“Điều khiến em quan tâm nhất là cơ hội việc làm. Ngày nay, các nhà tuyển dụng yêu cầu rất cao vào nguồn nhân lực, từ kiến thức chuyên môn đến kinh nghiệm, thái độ làm việc. Tỉ lệ cạnh tranh việc làm ngày càng khắc nghiệt. Do đó, trước khi điền nguyện vọng, em cần xem xét chọn ngành có cơ hội đầu ra triển vọng nhất” - Châu Anh chia sẻ.
Tương tự, bạn Nguyễn Hải Thùy An - học sinh lớp 12, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết - bản thân mong muốn lựa chọn các ngành có việc làm ngay sau khi ra trường.
“Vấn đề em quan tâm nhất khi lựa chọn ngành nghề là cơ hội việc làm và mức lương. Em sợ chọn sai, sau khi ra trường sẽ làm trái ngành, trái nghề, thậm chí là thất nghiệp.
Em dự định tìm hiểu một số ngành hot, trường hot để đăng ký bởi em nghĩ đây là những ngành có nhu cầu nhân lực cao. Ngoài ra, học ở một trường hot cũng khiến CV xin việc của em đẹp hơn” - Thùy An bày tỏ.
Dự báo từ các chuyên gia
Thấu hiểu những lo lắng của sĩ tử trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên hữu ích, giúp các em có thêm nhiều sự lựa chọn. Theo TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, thí sinh nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Các em nên phân tích kỹ cơ hội việc làm của ngành nghề dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội. Từ đó xác định đâu là ngành đang thừa nhiều lao động, đâu là ngành cần nhân lực. Thứ hai, các sĩ tử cần tìm hiểu chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước đang tập trung vào ngành nghề nào. Đây sẽ là những ngành được đầu tư nhiều vốn, thu hút doanh nghiệp nước ngoài, từ đó cơ hội việc làm trở nên rộng mở” - TS Lê Danh Quang chia sẻ.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, đất nước ta đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, các khối ngành như: Cơ khí (Thiết kế, Chế tạo máy; Cơ điện tử) hay Điện - Điện tử (Điện công nghiệp, Tự động hóa) đang rất được chú trọng phát triển.
Ngoài ra, khối ngành Dịch vụ như: Chăm sóc sắc đẹp, du lịch, khách sạn, nhà hàng... cũng rất được chú trọng đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề này, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng vọt.
“Từ những dự báo, đánh giá tiềm năng của các ngành nghề trong tương lai, các sĩ tử hãy cân nhắc đâu là ngành phù hợp với bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn đúng đắn” - TS Lê Danh Quang cho hay.
Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Nguyễn Phi Long - Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng - thí sinh cần cẩn trọng, tránh chạy theo xu hướng đám đông.
“Các em nên xác định việc chọn ngành nghề sẽ quyết định tới tương lai phía trước của bản thân, trong khi ngành hot chỉ mang tính thời điểm. Thực tế chứng minh, nhiều ngành hot sinh viên ra trường không tìm được việc làm bởi “cung vượt quá cầu”. Ngành hot nay lại trở thành ngành “nguội”. Chọn ngành dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội sẽ là phương án khôn ngoan” - TS Nguyễn Phi Long bày tỏ.