2 phương thức xét tuyển độc lập
PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết, năm 2023, Trường Đại học Y Hà Nội xét tuyển theo 2 phương thức. Phương thức 1 là tuyển thẳng, phương thức 2 là xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT.
Đối với phương thức 2, nhà trường áp dụng xé tuyển tổng điểm 3 môn tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa , Sinh).
Ngoài ra, trường có xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp), áp dụng đối với 3 ngành: ngành Y khoa, ngành Răng – Hàm – Mặt và ngành Điều Dưỡng đào tạo tại cơ sở chính. Trong đó, chứng chỉ ngoại ngữ của Tiếng Anh tương đương IELTS 6,5 điểm trở lên, điểm Tiếng Pháp (TCF) 400 điểm trở lên hoặc DELF B2.
Bên cạnh đó, ngành Điều dưỡng đào tạo theo chương trình quốc tế, yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ của tiếng Anh tương đương IELTS 5,0 điểm trở lên.
PGS.TS Lê Đình Tùng cũng lưu ý, trường có chỉ tiêu riêng cho mỗi phương thức xét tuyển, nên phụ huynh và thí sinh hoàn toàn yên tâm là không có chuyện thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ mất cơ hội đỗ vào trường.
Ông lấy ví dụ, với ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội dành 280 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của 3 môn Toán - Hóa – Sinh; dành 120 chỉ tiêu áp dụng xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. Tất cả các em có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được xét tuyển riêng.
Nếu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ 6,5 điểm trở lên thì sẽ được xét tuyển đến khi đủ 120 chỉ tiêu thì dừng lại.
“Đối với việc xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, ở đây là kết hợp chứ không quy đổi và 2 phương thức độc lập với nhau”- PGS.TS Lê Đình Tùng nhấn mạnh.
Điểm chuẩn dự kiến tăng nhẹ
Liên quan đến những thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về vấn đề điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành y dược năm 2023, PGS.TS Lê Đình Tùng cho biết, trên cơ sở phân tích đề thi tốt nghiệp THPT 2023, phổ điểm truyền thống liên quan đến nhóm ngành sức khỏe B00 và A00, dự báo điểm chuẩn xét tuyển vào khối ngành sức khỏe có thể tăng nhẹ.
Trong đó, ở khối B00, số thí sinh có điểm xét tuyển từ 28 đến 30 điểm cao hơn năm 2022. Số lượng thí sinh đạt từ 26 - 28 điểm cũng cao hơn năm trước, trong khi tổng chỉ tiêu của trường không thay đổi.
Dựa trên những yếu tố này có thể dự đoán, nếu xét trên mặt bằng điểm thi thì dự kiến điểm chuẩn của nhóm ngành Y khoa sẽ tịnh tiến lên so với năm 2022.
Trong đó, ngành Y khoa của trường sẽ lấy ít nhất bằng năm ngoái, tức 28,15, hoặc có thể tăng nhẹ một chút.
Điểm chuẩn các ngành lấy dưới 26 điểm của năm ngoái và các ngành đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa có thể cao hơn từ 0,5-1,25 điểm.
PGS.TS Lê Đình Tùng cũng lưu ý, năm nay, học phí ngành Y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội tăng hơn ba lần so với năm ngoái, trong khi Răng - Hàm - Mặt và Y khoa tại phân hiệu Thanh Hóa thu mức bằng một nửa. Điều này có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nguyện vọng của thí sinh, từ đó tác động đến điểm chuẩn.