Học viện Ngân hàng là một trong những trường có điểm chuẩn cao trong số các trường đào tạo về kinh tế trên cả nước.
Cụ thể, năm 2021, điểm chuẩn Học viện Ngân hàng cao nhất là ngành Luật Kinh tế khối C00, D14, D15 lấy 27,55 điểm. Tiếp theo là ngành Kinh doanh quốc tế 26,75 điểm.
Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Kế toán chương trình liên kết với số điểm 24,3 điểm.
Năm 2022, ngành lấy điểm cao nhất là Luật Kinh tế với 28,05 điểm.
Hai ngành học lấy điểm chuẩn thấp nhất là ngành Kế Toán (liên kết quốc tế) và Quản trị kinh doanh (liên kết quốc tế) với 24 điểm, giảm từ 0,3 - 1,7 điểm so với năm 2021.
TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng - cho rằng, điểm chuẩn các năm gần nhất chỉ mang ý nghĩa một phần, bởi có nhiều ngành năm trước lấy điểm thấp nhưng năm sau có thể cao do số lượng thí sinh đăng ký đông và ngược lại.
Trước đó, Học viện Ngân hàng đã thông báo điểm chuẩn với các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có xét dựa vào kết quả học bạ THPT.
Theo phương thức này, các chương trình chuẩn và liên kết quốc tế lấy điểm chuẩn trên thang 30. Các ngành Ngân hàng số, Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất - 29,8. Tiếp đến là Công nghệ thông tin - 29,79, Hệ thống thông tin quản lý - 29,76. Các chương trình liên kết quốc tế lấy thấp nhất, khoảng 26-27 điểm.
Mức này là tổng điểm trung bình cộng ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích.
Năm 2023, Học viện Ngân hàng tuyển sinh 3.300 chỉ tiêu cho 25 ngành đào tạo, nhiều hơn 100 chỉ tiêu so với năm 2022.
Với 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, xét chứng chỉ quốc tế, xét kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, xét kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.