Cấu trúc đề thi chính thức bám sát đề minh họa của Bộ GDĐT
Theo thầy Vũ Hải Nam, các câu hỏi được sắp xếp hợp lý theo mức độ tăng dần về độ khó nên dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo.
"Nhìn chung, đề thi môn Địa lý năm 2021 không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao. Để xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần học tốt các kỹ năng Địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm.
Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên" - thầy Nam cho biết.
Câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần
Theo nhận định của thầy Nam, đề thi Địa lý có 40 câu trắc nghiệm, hoàn toàn thuộc khối kiến thức Địa lý 12. Trong đó có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên (4 câu), Địa lý dân cư (2 câu), Địa lý các ngành kinh tế (7 câu), Địa lý vùng kinh tế (8 câu). Trong đó, kỹ năng Địa lý có 19 câu trong đó: 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ.
Bên cạnh đó, câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 90% cơ bản (nhận biết, thông hiểu) + 10% nâng cao (vận dụng và vận dụng cao), vì vậy học sinh không khó để đạt được điểm 9.
"Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động" - thầy Nam nói.