Chưa đủ tuổi lao động bỏ học làm
Theo ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, ra Tết Nguyên đán, qua nắm bắt sỹ số thì có 6 em học sinh (5 trường hợp THCS đều dưới 15 tuổi) và 1 THPT) nghỉ học.
Khi nắm bắt được sự việc, nhà trường đã cử cán bộ giáo viên liên lạc với phụ huynh để nắm bắt tình hình. Qua thông tin từ phụ huynh, nhà trường biết được các em học sinh này đi với một số người khác trong vùng xuống Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh để làm công nhân.
"Một số em trước khi đi có báo với gia đình, một số em khác thì không. Sau đó, các gia đình đã làm đơn trình báo sự việc lên cơ quan chức năng. Lúc này, có 3 em đã tự động về nhà, 3 em còn lại được công an xuống tận Bình Dương đưa về" - ông Hiệt thông tin.
Cũng theo ông Hiệt, đến thời điểm hiện tại có 4 em đã quay lại trường học, 1 em đang được nhà trường vận động đi học trở lại, còn 1 em đang đi học âm nhạc ở một trường khác.
Tất cả 6 em học sinh này đều là người dân tộc Mông, có 2 em gia đình hoàn cảnh bình thường, những em còn lại gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Chủ động ngăn chặn học sinh bỏ học
Liên quan đến sự việc này, ngày 23.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Tôn Thị Ngọc Hạnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học, tham gia lao động trái quy định.
Vấn đề học sinh bỏ học, tham gia lao động trái quy định, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển về thể chất và tinh thần, cản trở sự tiếp cận giáo dục của trẻ em. Ngoài ra, việc này cũng tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho học sinh về nguy cơ, tác hại của việc bỏ học, tham gia lao động trái quy định, quản lý, theo dõi, nắm bắt quá trình học tập và rèn luyện của học sinh để kịp thời có các biện pháp vận động, hỗ trợ hiệu quả; tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống; tư vấn nghề nghiệp cho học sinh...
UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng ngừa tình trạng trẻ em lao động trái quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chủ động nắm bắt tình hình, có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận động, lôi kéo học sinh bỏ học để tham gia lao động trái quy định.
UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn học sinh bỏ học tham gia lao động trái phép.
Các địa phương hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội và đào tạo nghề phù hợp.