Huyện biên giới sẵn sàng cho năm học mới
Xã Đắk Búk So nằm ở khu vực biên giới của huyện Tuy Đức. Năm học 2022 - 2023, Trường tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng ở địa phương này có 24 lớp với khoảng 770 học sinh.
Trước ngày khai giảng, nhà trường đã hoàn tất về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng cho năm học mới.
Theo ông Nguyễn Bi, Hiệu trưởng trường, bước vào năm học mới, trường đưa vào sử dụng thêm 12 phòng học mới.
Trong điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư bảo đảm, nhà trường đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, nhà trường đang liên hệ với các em nghỉ hè chưa kịp tiêm vaccine để phối hợp với đơn vị chức năng tiêm đầy đủ số mũi trước khi năm học mới bắt đầu.
Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Tuy Đức cho biết, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện đã bảo đảm đáp ứng đủ phòng học theo Chương trình Giáo dục mầm non và Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7.
Về thiết bị dạy học, huyện đã tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu đối với các lớp 3, 7.
Ngoài ra huyện cũng đã bổ sung cho lớp 1, 2, 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới với kinh phí 6 tỉ đồng. "Đến nay, huyện Tuy Đức chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới" - ông Trọng phấn khởi.
Bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 326 cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, giáo dục mầm non có 90 trường; cấp tiểu học có 119 trường; cấp Trung học cơ sở có 77 trường; cấp Trung học phổ thông có 31 trường; Giáo dục thường xuyên có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ, Tin học tỉnh và 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện; có 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng.
Đặc biệt, các địa phương cũng chú trọng mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học 2022-2023, ước tính hơn 329 tỉ đồng.
Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển sự nghiệp giáo dục.
Đơn cử như huyện Đắk Mil đã huy động được 1,56 tỉ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất trường học. Huyện Tuy Đức huy động được 2,21 tỉ đồng thực hiện sửa chữa sân bê tông, mái che, tường rào, mua sắm bổ sung một số thiết bị dạy học. Huyện Đắk Glong đã huy động xã hội hóa xây dựng 6 phòng học tại Trường mẫu giáo Hoa Lan với kinh phí là 2 tỉ đồng.
Tương tự, huyện Đắk Song huy động được 9,3 tỉ đồng sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng mới 13 phòng học. Huyện Krông Nô huy động được gần 400 triệu đồng thực hiện sửa chữa sân, hàng rào và các cơ sở vật chất khác…