Lời giải từ đại học số và đào tạo lại
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, nhất là AI đã qua giai đoạn nghiên cứu, khám phá, bước vào giai đoạn ứng dụng, thực hành. Giai đoạn khám phá cần tinh hoa. Giai đoạn ứng dụng cần nhiều kỹ sư ứng dụng. Giai đoạn ứng dụng cũng chính là giai đoạn mang lại nhiều giá trị nhất cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
“Chúng ta đang cần rất nhiều kỹ sư công nghệ số mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại học số và đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay. Chính phủ nên có quyết sách thật mạnh mẽ về đại học số” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TTTT có thể hỗ trợ các trường đại học bằng cách ra báo cáo hằng năm về nhu cầu nhân lực, về sử dụng nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số và gửi báo cáo này cho các trường. Thêm vào đó, tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, rồi hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài chinh phục thị trường toàn cầu, biến Việt Nam thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài: Viettel đã có doanh thu từ nước ngoài trên 3 tỉ USD, FPT trên 1 tỉ USD, doanh nghiệp có doanh thu từ nước ngoài hàng trăm triệu USD là khá nhiều. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực công nghệ số được trả lương cao để các trường đại học tổ chức đào tạo.
Bộ TTTT cũng sẽ tạo ra gắn kết của hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số với các trường đại học. Kêu gọi một số doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Đại học Quốc gia.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ một số chính sách thí điểm về phát triển công nghệ số tại đại học. Ví dụ, Nhà nước đầu tư các phòng thí nghiệm quốc gia, hiện đại về công nghệ số rồi giao đại học vận hành. Phòng thí nghiệm hiện đại sẽ là thỏi nam châm quan trọng để thu hút nghiên cứu về các trường đại học.

Bổ sung nhiều mã ngành đào tạo mới
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia về kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính. Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.
Để giải quyết bài toán nhân lực số, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Trong đề án này, Bộ TTTT đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường đại học số phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước hằng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về công nghệ số.
Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.
70% sinh viên công nghệ cần được bố trí đào tạo thêm
TPHCM có đến hàng chục cơ sở giáo dục đào tạo về công nghệ thông tin, hơn 10 trường đại học (ĐH) uy tín về ngành này như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM, ĐH FPT, ĐH CNTT - ĐHQG TPHCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông TPHCM… Số lượng ngành học về công nghệ thông tin ở các trường đại học đang mở rộng ngày càng nhiều cũng như số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này vẫn tăng cao qua mỗi năm, nhưng nhân sự vẫn thiếu hụt so với nhu cầu.
Theo báo cáo, trong số hơn 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra, 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3 - 6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng.
Mới đây, ĐH FPT đã mở Khoa Vi mạch bán dẫn, bắt đầu đào tạo từ năm 2024. Đây là một trong những nỗ lực trong việc triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 đến 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn này. Nguyên Đăng
Công nghệ thông tin đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Công nghệ thông tin (CNTT) là nhóm ngành có sức hút với thí sinh trong nhiều năm trở lại đây. Cũng vì độ "hot" mà điểm chuẩn luôn ở mức cao, vượt qua một số ngành “hot” thuộc khối công an, quân đội hay y dược.
Mùa tuyển sinh năm 2023, ở khu vực Hà Nội, ngành CNTT của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn lên đến 28,16. Tại khu vực TPHCM, ngành CNTT của ĐH CNTT TPHCM lấy điểm chuẩn 26,9 điểm. Trường ĐH Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng đưa ra điểm chuẩn ngành CNTT lên đến 25,52 điểm.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - nhận định, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tại Việt Nam tăng cao liên tục.
“Sinh viên học ngành CNTT trung bình lương khởi điểm 6 tháng đầu tiên 9 - 10 triệu đồng/tháng. Theo thống kê của nhà trường, có những em chỉ sau 1 năm ra trường, thu nhập lên đến 18 triệu đồng/tháng” - TS Đồng Văn Ngọc chia sẻ. Trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành này đã tăng trung bình 47%/ năm, nhân sự đào tạo ra chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Khối ngành này đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thêm khoảng 400.000 nhân lực mỗi năm. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp ngành học này chỉ ở mức 30.000 người/năm, việc đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
TS Đồng Văn Ngọc đánh giá, tuyển sinh ngành CNTT ở Việt Nam không quá khó khăn, bởi nhu cầu của người học rất lớn, quan trọng nhất là siết chất lượng đầu ra thế nào, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là điều kiện về ngoại ngữ... Tường Vân