Năm 1986, tốt nghiệp trường Cao đẳng sư Phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi được phân công về giảng dạy tại trường Phổ thông cơ sở Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa - nơi mà người dân thường nói là: “vùng khỉ ho cò gáy”.

Thật vậy, đây là vùng rừng núi căn cứ địa cách mạng của tỉnh ủy Khánh Hòa trước năm 1975. Sau giải phóng, người dân tản cư lên đây khai phá lập nghiệp, trở thành vùng kinh tế mới Diên Tân (Diên Khánh).
Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Phần đông người dân sống bằng nghề làm ruộng, rẫy. Hàng ngày, họ vào rừng lấy củi về bán kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày còn ruộng đồng thì khô cháy, chỉ canh tác được một vụ tháng mười âm lịch khi có mưa về.
Tuy cuộc sống vất vả khó khăn nhưng người dân họ rất quý trọng, thương yêu thầy cô giáo, có lẽ vì thầy cô đã không quản khó khăn đi lên “chốn thâm sơn cùng cốc” này, đem con chữ, kiến thức cho con em mình.
Mỗi năm khi Tết đến Xuân về, học sinh, phụ huynh không có gì tặng thầy cô ngoài củ khoai, ký đường đen, con gà... Việc tặng quà cho thầy cô nhân ngày Tết của phụ huynh là từ tấm lòng, không vì lấy lòng thầy cô hay suy nghĩ gì khác ngoài sự biết ơn.
Đón Tết năm đầu tiên đi dạy, tôi được phụ huynh em Nguyễn Hải học lớp 7C, ưu ái tặng cho ký đường mật - một món quà, kỉ niệm tôi không bao giờ quên. Tấm lòng học trò dành tặng khiến tôi càng thêm yêu nghề mình đã chọn, quyết tâm ở lại dạy các em dù phải bị những cơn sốt rét rừng bào mòn tuổi trẻ, sức khỏe.
Sau bốn năm công tác ở miền núi, năm 1990, tôi được thuyên chuyển về đồng bằng. Chia tay đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đi về xuôi nhưng lòng bao lưu luyến những tháng năm công tác với những tình cảm thân thương.
Cuộc sống ngày nay dù có nhiều đổi thay nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn được lưu truyền, nó trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc ta.
Là một giáo viên dạy môn Lịch sử - Giáo dục công dân, tôi luôn thấu hiểu trách nhiệm làm sao để truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “Tôn sư trọng đạo” mãi được giữ gìn, phát huy, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi đó cũng chính là mong muốn của tất cả phụ huynh, học sinh…trong xã hội phong kiến hay hiện đại ngày nay.
Mong muốn là vậy song thực tế cuộc sống hiện tại có quá nhiều tác động ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò; thầy - phụ huynh. Thật buồn khi phải nói không ít thầy cô vì thiếu kiềm chế bản thân, non nghiệp vụ sư phạm, yếu trong xử lý tình huống nên xúc phạm đến thân thể học sinh bằng những cái tát, cái véo, hình phạt, đòn roi… bầm tím trên thân thể non trẻ gây nên những bức xúc trong xã hội.
Ngược lại, cũng không ít phụ huynh do quá bức xúc vì con mà không tìm hiểu nguyên nhân nên đã có những hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, xúc phạm đến tinh thần, thân thể thầy cô giáo đã từng xảy ra.
Hay có những nơi, hình ảnh người thầy ít nhiều cũng chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường với bao nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã làm thêm nhiều việc như bán hàng online, chạy xe ôm, dạy thêm dẫn đến lơ là việc dạy học… ảnh hưởng không ít đến hình ảnh “mô phạm” của người thầy.
Dù vậy, điều quan trọng nhất là thầy cô hãy nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đừng vì bất kì lý do nào khác làm hoen ố hình ảnh người thầy, để truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được dân tộc ta trân trọng, gìn giữ, lưu truyền qua bao thế hệ vẫn sáng mãi.
Mùng ba Tết thầy, đó chính là những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần được gìn giữ phát huy để những giá trị đó được trường tồn, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, không đánh mất bản sắc văn hóa trong thời buổi hội nhập thế giới ngày nay.
Riêng đối với các bậc phụ huynh, Tết là cơ hội để dạy các em biết những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công ông Táo (23 tháng chạp), cúng tất niên, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét, bánh chưng, dựng cây nêu ngày Tết nhất là không quên động viên con thăm thầy cô giáo của mình, chính là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong những ngày Tết.