Mong được gặp học trò
Chị Lê Thị Uyên - giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) - đang chuẩn bị trở lại dạy học vào ngày 13.4 tới. Trước khi mở cửa, chị Uyên cùng các đồng nghiệp đã đến trường để dọn dẹp. Gần 1 năm “cửa đóng, then cài” khiến đồ chơi của học sinh bị ẩm mốc, bám bụi bẩn khiến các cô khá vất vả lau rửa. Một số đồ chơi còn bị hư hỏng.
Thời gian qua, chị Uyên phải ở nhà trông con nhỏ, phụ công việc kinh doanh cho chồng, gần như không có thu nhập. “Trường mở cửa trở lại, giáo viên mầm non như tôi có công việc, có thu nhập, nhưng chắc chắn thời gian đầu sẽ rất khó khăn, do đa số học sinh đã nghỉ, không trở lại trường, nên trường phải tuyển sinh học sinh mới. Nhiều học sinh mới sẽ chưa quen với trường lớp, các cô nên các con sẽ quấy khóc nhiều, giáo viên như chúng tôi sẽ mệt hơn” - chị Uyên cho hay.
Hà Nội là địa phương cuối cùng cho phép trẻ mầm non đi học trực tiếp trở lại. Thời gian qua, Nguyễn Thị Thanh Hương - giáo viên tại cơ sở mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội) - cũng nóng lòng theo dõi thông tin này. Khi học sinh chính thức được học trực tiếp tại nhà trường, cảm xúc của chị Hương vỡ òa. Hai năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh khiến biết bao cơ sở mầm non tư thục lao đao. Những ngày được quay trở lại với công việc mình đam mê, đeo đuổi khiến chị khấp khởi trong lòng.
Những kỹ năng, kinh nghiệm trông nom, giáo dục các em nhỏ đã phải gác sang một bên, chị Hương miệt mài bán sức lao động làm công nhân thời vụ. Nghỉ dạy triền miên như vậy, để cho tiền chi tiêu cuộc sống, buộc chị phải kiếm tìm công việc thay thế ở công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long.
Chị Hương kể: “Không biết mọi người như thế nào, nhưng tôi rất nhớ trường, lớp và các con. Cô, trò và phụ huynh vẫn thường xuyên liên lạc với nhau và cùng mong chờ ngày được trở lại lớp”.
Những khó khăn
Chị Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Ca (thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ lo lắng bộn bề khi trường chuẩn bị mở cửa trở lại.
Lo lắng đầu tiên của chị Nhung là thiếu hụt giáo viên. “Nếu nghỉ làm 2, 3 tháng, các cô còn chờ được. Nhưng do nghỉ quá lâu, họ buộc phải tìm công việc khác để có thu nhập. Trường tôi có 8 giáo viên thì có 3 người đi làm công nhân khu công nghiệp; 3 người về quê; chỉ còn 2 người bám trụ, trong đó có tôi” - chị Nhung cho hay.
Vừa qua, khi biết thông tin trường mở cửa trở lại, chị có điện thoại thông báo với các giáo viên mầm non. Các cô đang đi làm công nhân nói rằng, họ sẽ không quay về trường nữa, do đã quen việc làm công nhân, thu nhập cao hơn, lại không gò bó, phụ thuộc… Để bù vào số giáo viên thiếu hụt, chị Nhung đưa ra giải pháp tạm thuê 2 giáo viên mầm non theo ngày với giá 300.000 đồng/ngày/người. Ngoài ra, người phụ trách nấu ăn của trường cũng đã nghỉ việc, vì vậy, trường phải đi tìm người khác.
Không chỉ giáo viên, trường còn đối mặt với việc giảm số lượng học sinh. Trước đây, trường có 100 học sinh, nhưng qua khảo sát của trường, chỉ có khoảng 20 học sinh trở lại khi trường mở cửa. “Hầu hết các cháu đang ở quê, có lẽ phải sang tháng 5, các cháu mới lên. Không chỉ vậy, còn sắp đến thời gian nghỉ hè nữa, nên nhiều phụ huynh có tâm lý cho con nghỉ hết hè rồi mới đưa lên” - chị Nhung giải thích và nói thêm, dù ít học sinh, có thể bị lỗ, nhưng trường vẫn sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13.4, vì nếu không mở, sẽ bị “mất” học sinh (học sinh sẽ theo học trường khác). Trường cũng không thể tăng giá học phí vì nếu tăng, phụ huynh sẽ chuyển các con sang trường khác.
“Thời gian nghỉ dịch gần 1 năm qua, mỗi tháng tôi mất 6 triệu đồng tiền thuê nhà. Tính tổng cộng, tôi mất khoảng hơn 70 triệu đồng, trong khi không thu được đồng nào. Đấy là chưa kể một số khoản chi khác (ví dụ như trả công các cô đến dọn vệ sinh ở trường)” - chị Nhung kể. Sau một thời gian nghỉ, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp. Theo tính toán của chị Nhung, chị phải mất khoảng 100-300 triệu đồng để tu sửa.
“Thời gian nghỉ ở nhà vừa qua, tôi bán hàng online, làm nhiều việc khác để có thu nhập, duy trì cuộc sống cũng như các khoản chi cho trường để chờ ngày được mở cửa trở lại” - chị Nhung cho hay.
Mấy ngày qua, bà Nguyễn Thanh Phương - quản lý cơ sở mầm non Toàn Cầu (Hà Nội) liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng 5 giáo viên mầm non. Phần lớn các em nhỏ ở đây đều là con công nhân trong khu công nghiệp. “Khi có thông tin mầm non được học trực tiếp, chúng tôi lại phải đối diện với nỗi lo thiếu giáo viên trầm trọng” - chị Phương nói.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến giáo dục mầm non, đặc biệt khối tư thục. Hiện tại cơ sở mầm non Toàn Cầu chỉ còn 14 giáo viên. Trước đó, do không trụ lại được với nghề vì nghỉ liên tục, đã có 5 cô giáo chấm dứt hợp đồng lao động với nhà trường.
Vừa qua, cơ sở này cũng tiến hành khảo sát nhu cầu đi học trực tiếp của các gia đình. Theo chị Phương, kết quả kết khả quan, có đến 80% phụ huynh sẽ cho con đi học trở lại. Trước mắt khi chưa tuyển dụng được giáo viên, buộc lòng cơ sở phải tổ chức, phân bổ lại giáo viên trông. “Phương án tạm thời có thể các lớp lớn trước đây là 2 cô phụ trách giờ có thể chỉ 1 cô đảm đương. Bởi khi phụ huynh có nhu cầu, mình không thể không nhận trẻ. Vì vậy, nếu được sự đồng ý của phụ huynh sẽ tổ chức lại lớp như trên”.
Về lâu dài, khi tuyển dụng đủ giáo viên, hoạt động của cơ sở lại trở lại như ban đầu. Bên cạnh đó, do nghỉ quá dài khiến thiết bị học tập, tivi, điều hòa hỏng hóc khá nhiều. Buộc cơ sở phải khắc phục và trang bị lại cho hoàn thiện. Chị Phương chia sẻ: “Dù học sinh quay lại học trực tiếp vẫn còn nhiều khó khăn chồng khó khăn. Song đây là sự mong đợi của cơ sở, của biết bao cô giáo. Trong bối cảnh không ít giáo viên đang mông lung, băn khoăn với nghề. Đây cũng là lúc để quay trở lại công việc, ổn định hơn với nghề”.