Chuyển đổi tư duy của học sinh và giáo viên
Chuyển đổi số trong giáo dục là sự thay đổi phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh sinh viên và giáo viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động.
Thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, giáo dục đào tạo cũng không ngoại lệ. Tại Việt Nam, nhiều trường học đã áp dụng giảng dạy online trong suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19. Các thầy cô cùng học trò đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số.
Ở tuổi 54, cô Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn miệt mài mỗi ngày bên chiếc máy tính từ sáng đến tận khuya để soạn bài, chuẩn bị các tiết dạy online cho học trò. Từ chỗ mù mờ về công nghệ, về dạy học trực tuyến, nay cô trở thành một trong những giáo viên dạy online giỏi, sử dụng thành thạo các phần mềm như Kahoot, Wheel of Names để tăng sự tương tác.
“Cố gắng và cố gắng hơn nữa, học hỏi và học hỏi không ngừng” – là bí quyết mà cô Hoa đúc rút được sau những ngày cùng toàn ngành giáo dục vượt khó vì dịch COVID-19. Đặc biệt, cô Hoa cũng xác định đây là cơ hội để thầy cô thay đổi, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học.
Câu chuyện về Lầu Mí Xá (sinh viên năm 3, Học viện Hành chính Quốc gia) cũng cho thấy sự sẵn sàng trong nhận thức và hành động của học sinh về việc chuyển đổi số. Xá là người dân tộc H'mong, sống tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - nơi có điều kiện sống khó khăn.
Trong thời điểm tháng 4.2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Lầu Mí Xá không thể quay trở lại trường. Nơi Xá ở cũng không có sóng điện thoại, không có Internet để phục vụ việc học online nên cậu đã bắt đầu hành trình “tìm sóng” của mình. Cậu chạy xe máy đi tìm nơi có thể vào được mạng Internet. Khi phát hiện trên đoạn đường vào bản có sóng, Xá đã tự tay dựng lán gỗ, che bạt ở sườn núi để làm nơi học bài.
Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, việc dạy và học đã có thể diễn ra bình thường, nhưng Xá vẫn duy trì việc sử dụng các công cụ, phần mềm để phục vụ việc học trực tuyến, tận dụng lợi từ công nghệ để khai thác thông tin cho việc học tập, nghiên cứu của mình.
Những câu chuyện trên cho thấy, chuyển đổi số trong giáo dục muốn thành công phải chuyển đổi từ tư duy của học sinh, giáo viên, để thầy và trò cùng nhận thức được rằng, chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với quy mô hơn 53.000 cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.
Chia sẻ về những việc phải làm để thực hiện chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, song quá trình này sẽ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, muốn thay đổi phải có chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành liên quan.
Ủng hộ định hướng và quyết tâm của ngành Giáo dục trong việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp, có căn cứ và khả thi.
“Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường, thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.