Học ngành mình không đam mê
Chia sẻ về câu chuyện của mình, Dương Thuý Quỳnh - sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, bản thân thích học Sư phạm tiểu học nhưng vì không giỏi môn tiếng Anh nên thi trượt, Quỳnh đỗ nguyện vọng 2 vào ngôi trường em đang theo học.
Học tới cuối năm nhất, dù được học bổng nhưng nữ sinh vẫn thấy ngành nghề đang học không hợp với mình, tiếc công sức và tiền bạc đã bỏ ra nên Quỳnh cố gắng theo tới cùng. Đến năm 2, khi được học các môn chuyên ngành, nữ sinh lại càng thấy không hợp. Trong đầu em chỉ mơ màng ngồi tưởng tượng mình dạy học sinh tiểu học, càng ngày, nữ sinh càng khát khao được làm giáo viên.
“Em cũng đắn đo, tìm lời khuyên từ mọi người, người khuyên học tiếp vì đã đi được nửa chặng đường, người bảo bỏ học để thi lại đúng đam mê. Các bạn em đã bắt đầu cộng tác với tòa soạn, còn em cứ miệt mài đi gia sư, dạy không biết mệt, càng dạy lại càng hăng say. Cho tới năm 3 khi em đi kiến tập, em càng chắc chắn mình muốn theo sư phạm hơn" - nữ sinh tâm sự.
Yêu trẻ, thích nghề dạy học, Quỳnh quyết định hoàn thành chương trình học ở trường báo, sau đó học văn bằng 2 ngành em mơ ước là sư phạm.
"Tuy rằng mất nhiều thời gian cho chặng đường học tập nhưng còn ước mơ nên em sẽ cố gắng hiện thực hoá nó, để không phải hối hận hay phí tâm sức khi đau đáu nghĩ về nó mỗi ngày" - Quỳnh tâm sự.
Đỗ Quang Anh - sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn hoá cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nam sinh đang cố gắng hoàn thành xong chương trình học tại trường để đăng ký thi lại vào trường thuộc khối công an.
“Em đã có ý định chuyển ngành từ năm 2 đại học. Thời điểm đó cũng đắn đo nên bỏ học để thi lại hay học tiếp, mình cũng đặt lên bàn cân so sánh và chông chênh trong một thời gian dài.
Học ngành Du lịch rất vất vả, thời gian bỏ ra nhiều, thức khuya dậy sớm… Mình muốn đổi ngành, tuy khó và bắt đầu muộn nhưng mình đã có kế hoạch rõ ràng để thực hiện” - Quang Anh bộc bạch.
Chọn ngành chọn nghề theo đam mê
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn thông tin - mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường cao đẳng, đại học. Sau năm thứ nhất, nhiều em nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT, nhiều học sinh chưa tận dụng hết cơ hội để xét tuyển vào trường cao đẳng, đại học, ngành học, trường học mà mình mong muốn. Thứ trưởng hy vọng thông qua các hoạt động tư vấn tuyển sinh, học sinh sẽ xác định đúng năng lực, sở trường, sở thích và điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó lựa chọn cho mình ngành học và ngôi trường phù hợp nhất, định hướng cho nghề nghiệp sau này.
Dành lời khuyên cho sĩ tử năm nay, TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM lưu ý - việc chọn ngành học trước hết phải xem đó có phải là ngành mình đam mê, yêu thích hay không.
"Khi thích, đam mê và có năng lực thì các em sẽ giỏi trong lĩnh vực mình chọn. Ngược lại, ngành "hot", ngành xu hướng nhưng không đam mê và không hạnh phúc sẽ dễ dẫn đến khủng hoảng, mất phương hướng và dễ dàng bỏ cuộc. Các em nỗ lực để giỏi trong ngành mình lựa chọn thì không bao giờ lo vô dụng hay thất nghiệp" - TS Hạ nói.
Vậy làm thế nào để chọn đúng ngành mình đam mê mà đạt được thành công? Trước câu hỏi này, TS Hạ cho rằng, thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó giỏi kiến thức là chưa đủ mà phải giỏi kỹ năng mềm như khả năng quan sát tốt, cách xử lý vấn đề, nắm bắt thông tin, kiểm soát và quản lý thời gian. Muốn vậy, các em phải trải nghiệm thật nhiều.