Chỉ riêng phổ điểm chưa thể kết luận điểm chuẩn tăng hay giảm
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, chỉ riêng phổ điểm không đủ thông tin cho biết điểm chuẩn tăng hay giảm. Lý do là bởi theo phổ điểm Bộ GDĐT công bố, có môn điểm trung bình cao hơn, nhưng cũng có môn điểm trung bình thấp hơn năm ngoái.
Chưa kể, điểm chuẩn vào các trường đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể là các tham số là số lượng thì sinh đăng kí vào ngành, chỉ tiêu của ngành, ngưỡng đảm bảo chất lượng (với các ngành sư phạm, Y dược).
"Có một yếu tố cần tính đến là năm 2003 được coi là "năm đẹp", cho nên số thi sinh năm nay tăng so với năm 2020 hàng trăm ngàn. Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19, nhiều thí sinh giỏi (nhất là các bạn học giỏi, SAT, IELTS cao) không đi học nước ngoài được.
Bởi vậy, điều này có thể làm tăng điểm chuẩn ở những ngành "hot" nếu các ngành này không tăng chỉ tiêu. Đối với các ngành sư phạm, năm nay do chính sách của Chính phủ hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116, cộng với chỉ tiêu giảm, cho nên cũng có khả năng tăng đôi chút" - GS.TS Nguyễn Quý Thanh phân tích.
"Chiến lược" thay đổi nguyện vọng
Theo quy định của Bộ GDĐT, nếu thí sinh đã đỗ nguyện vọng (NV) 1, hệ thống sẽ tự ngừng xét tuyển các NV sau. Vì thế, thí sinh dù đủ điểm đỗ NV2 không thể học ngành có nguyện vọng ưu tiên thấp hơn (NV2) trong cùng một đợt xét tuyển.
Nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh không xác nhận nhập học với trường đã trúng tuyển ở NV1 thì sẽ coi như từ chối học và có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì ngành thí sinh muốn vào có thể đã xét tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 và không xét tuyển đợt bổ sung.
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội dự đoán với các trường top trên có thể điểm trúng tuyển sẽ nhích lên.
Vì vậy các em học sinh cần tham khảo điểm trúng tuyển của năm trước để đăng ký lại trong đợt điều chỉnh nguyện vọng năm nay.
"Về nguyên tắc, các em nên chọn dần từ trường có uy tín; có thứ hạng cao; sau đó đến ngành mình yêu thích và nên chọn 3-5 nguyện vọng dự bị" - GS.TS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Nhiều giáo viên tại Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên rằng, ở thời điểm hiện tại, học sinh nên tìm hiểu về các ngành, nghề, sở thích cũng như thế mạnh của bản thân. Bởi mỗi trường sẽ có đặc thù và thế mạnh riêng, phù hợp với các định hướng nghề nghiệp khác nhau.
Khi thay đổi nguyện vọng đăng ký, học sinh cần chú ý chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.
Đặc biệt lưu ý, thí sinh cần đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích.
Bên cạnh hình thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học cũng đưa ra các phương thức xét tuyển khác. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức đó, cũng nên cân nhắc việc có nên nhập học hay không. Nhất là với các bạn có kết quả thi ở mức giáp ranh so với điểm chuẩn năm trước của ngành, trường đã đăng kí.