Những ngày qua, thông tin về dự kiến các khoản thu - chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh (quỹ hội phụ huynh) tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đang gây chú ý khi có những lớp đưa ra thu, chi tới 270 triệu đồng.
Số tiền trên bao gồm các khoản cơ bản, quà tặng 20.11 và quà Tết, chi cho học sinh...
Chưa kể còn có khoản như: Hoạt động dã ngoại, hoạt động đón tết, hội hoa xuân và lệ phí thi tuyển sinh lớp 10 để trống khoản thu, được ghi chú là giáo viên chủ nhiệm thu trực tiếp từng học sinh.
"Nếu tính trung bình mỗi lớp 50 cháu, tức là phụ huynh đang phải đóng khoảng hơn 5 triệu tiền quỹ lớp/năm. Đây là mức thu quỹ khá cao so với mặt bằng chung của các gia đình hiện nay.
Nhìn ở góc độ phụ huynh có điều kiện, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Nhưng với phụ huynh nghèo thì nó là khoản lớn khó mà đóng được đầu năm học" - chị Ngô Mai Phương (Hà Nội) nói.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (Thanh Hóa) nhận xét, nếu nhìn qua bảng thu trên, có thể thấy, lớp học trên dự kiến chi 58 triệu đồng quà lễ, Tết cho các thầy cô. Số tiền còn lại (chiếm khoảng 3/4 quỹ lớp) dự kiến chi cho các học sinh.
Tạm thời không tính đến các khoản thưởng lễ, Tết cho giáo viên, phụ huynh này nhận định, các khoản dự kiến chi tưởng minh bạch, rõ ràng nhưng thực chất rất là rất vô lí. Chẳng hạn như tiền photo (10 triệu/năm), tiền điện (10 triệu/năm), liên hoan học kỳ 1 (20 triệu/năm),...
"Có rất nhiều đầu mục dự kiến chi mà số tiền "tròn trĩnh" đến kỳ lạ. Riêng các khoản tiền dự kiến chi cho mục đích liên hoan là quá lớn, lãng phí và có thể sẽ là áp lực, gánh nặng đối với các gia đình không có điều kiện.
Bởi nếu phụ huynh không đóng, con sẽ mặc cảm với bạn bè. Nhưng nếu đóng, sẽ là gánh nặng, áp lực cho các bậc phụ huynh" - anh Tuấn nói.
Trước những bức xúc của phụ huynh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, lãnh đạo nhà trường ngay lập tức đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trao đổi với cha mẹ học sinh của lớp và dừng ngay việc kêu gọi thu tiền như trên.
Đồng thời, yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc “nhu cầu tới đâu thì thu tới đó", đảm bảo việc thu đủ, chi đủ, cần dùng gì, chi vào hoạt động gì thì mới bàn với phụ huynh và thống nhất.
Dù vậy, vấn đề tiền trường vẫn "nóng" và nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ câu chuyện lạm thu xảy ra tại nhiều tỉnh thành và nhiều trường học, bậc học chứ không riêng TPHCM.
"Vấn đề không phải nhu cầu tới đâu thì thu tới đó. Chúng tôi cần sự rõ ràng, minh bạch. Đồng ý nếu chỉ dùng ngân sách nhà nước, rất khó để đảm bảo điều kiện học tập, nhu cầu tham gia các hoạt động ngoại khóa của học sinh. Nhưng những khoản như lễ tết cho thầy cô, liên hoan, làm kỉ yếu,... thì không nên kêu gọi đóng góp" - chị Lê Thùy Linh (Phú Yên) nói.
Theo nhiều phụ huynh, việc thiếu minh bạch trong các khoản thu chi diễn ra tại nhiều trường học và trong nhiều năm nay. Mặc dù đầu năm học, ngành giáo dục và các địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, quán triệt và xử lí nghiêm tình trạng này, nhưng đâu đó, các khoản lạm thu vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, núp sau bóng mỹ từ "tự nguyện", "vì học sinh",... Đây là gánh nặng của mỗi gia đình mỗi dịp đầu năm học mới.