Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THCS công lập.
Theo đó, chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 bao gồm hạng I, II, III.
Đối với giáo viên chưa đạt chuẩn thì giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng IV.
Với cách tính mới đang được xây dựng theo chức danh nghề nghiệp, lương cơ bản của giáo viên THCS cao nhất sẽ được nâng cao hơn.
Hệ số lương cao nhất của giáo viên THCS dự kiến được nâng lên cao ngang bậc THPT là 6,78 thay vì chỉ ở 6,38 như trước kia. Với mức này, lương cơ bản cao nhất tới 10,848 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, phụ cấp ưu đãi cũng tăng theo khiến thu nhập của giáo viên cao nhất lên tới khoảng 12,963 triệu đồng/tháng, thấp nhất khoảng 4,015 triệu đồng/tháng.
Đối với những giáo viên làm việc lâu năm, mức thu nhập này có thể sẽ giảm đi so với trước kia do không còn được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, giáo viên trẻ, mới ra trường sẽ được hưởng mức lương tốt hơn, hạn chế tình trạng "sống lâu lên lão làng".
Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp và khi đó chênh lệch giữa lương của giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm sẽ thu hẹp.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc sắp xếp lại các loại phụ cấp mới vẫn chỉ đang được Bộ GDĐT xin ý kiến rộng rãi đến ngày 16.8, chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiều 19.6, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020.
Vì vậy, hiện tại, giáo viên vẫn sẽ hưởng các chế độ cũ. Chế độ mới theo bảng lương trên sẽ được áp dụng đến khi có quyết định mới nhất. Dự kiến sẽ vào năm 2021.