Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (6.6), nhiều ý kiến đại biểu bức xúc trước những vụ bạo hành tại các trường mầm non và đề nghị truy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, đây là một trong các vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.
Theo Bộ trưởng, hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, 337.000 giáo viên. Về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ nhưng vẫn còn tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non, chủ yếu ở các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Bộ trưởng bày tỏ: "Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết. Với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa".
Tư lệnh ngành GDĐT cũng cho rằng nguyên nhân của những sự cố này có gắn với chất lượng nguồn giáo viên, đầu vào giáo viên chưa được siết chặt.
“Bộ đang đưa ra những chuẩn đầu vào tuyển sinh đối với các trường Sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề…
“Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá. Người mới ra trường được khoảng 2,4 triệu đồng một tháng thì các cô rất khó khăn. Đây cũng là lý do gây áp lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác sẽ tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra lời hứa.
Cũng liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ ở cấp học mầm non, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ hơn giải pháp để đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động. Vì thiếu nhà trẻ, công nhân phải gửi con ở các cơ sở trông trẻ tự phát, dẫn đến việc bị bạo hành.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc.