Khai giảng ngày 15.9 và học trực tuyến đến 30.10
Ngày 2.9, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã có quyết định về việc dời ngày khai giảng năm học mới 2021-2022.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương quyết định dời ngày khai giảng năm học mới đến ngày 15.9 bằng hình thức trực tuyến nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu năm học. Đây cũng là mốc kết thúc của quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ.
Tỉnh Bình Dương kỳ vọng đến thời điểm này (15.9) sẽ cơ bản khống chế được dịch bệnh. Sau đó, từng bước nới giãn cách xã hội, tái tổ chức các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế và tổ chức học tập cho học sinh sinh viên.
Do dịch bệnh biến biến phức tạp, nhiều địa bàn đông dân cư còn là ''vùng đỏ'' nguy cơ lây nhiễm cao nên việc học cũng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến từ ngày 16.9 - 30.10.
Đối với giáo dục mầm non, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cơ sở soạn thảo nội dung và xây xựng video hướng dẫn cha mẹ tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
Phụ huynh là công nhân bộn bề lo lắng
Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đa số công nhân lao động đang ở nhà phòng dịch cùng con em. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, công nhân ở nhà đã cạn tiền tích trữ, thậm chí đồ ăn cũng hết. Vì vậy đây là năm học mới nhiều khó khăn đối với những cặp vợ chồng công nhân lao động ở trọ.
Chị Nguyễn Thị Kiều (32 tuổi, công nhân KCN Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, Bình Dương) có 2 con gái, một cháu mầm non một cháu vào lớp 3. Chị Kiều cho biết mình đang ở nhà trông con, còn chồng vào công ty làm "3 tại chỗ". Năm nay nếu học trực tuyến thì phải lo mua máy tính, kết nối Internet. Tuy nhiên, cả 2 thứ này chị Kiều không am hiểu lại đang dịch bệnh nên không biết mua sắm, lắp đặt như thế nào.
Tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, vợ chồng anh Bùi Văn Biện và chị Nguyễn Thị Hương (công nhân may) cho biết, hôm nay vừa mua bộ sách giáo khoa 470.000 đồng cho con gái chuẩn bị vào lớp 1, còn con trai vào lớp 3 thì chưa mua.
"Tôi nghỉ việc 2 tháng nay, mới trở lại nhà máy làm việc, còn vợ thì ở nhà. Tiền ăn của cả gia đình 4 người cũng sắp hết, nếu phải mua thêm điện thoại cho con học online lúc này thì cũng là cả một vấn đề. Tha hương cầu thực, năm nay dịch bệnh, làm cả năm không được gì, những ngày qua còn phải vay mượn tiền anh em ở quê để trang trải cuộc sống. Vì vậy, các con vào năm học mới mà hai vợ chồng rất lo lắng"- anh Biện chia sẻ.
Tại thành phố Thuận An, chị Lê Thị Hòa (bán hàng rong) cho biết, gia đình chị thuê ki ốt sống ở phường An Phú, đây là địa bàn phường đang bị "khóa chặt đông cứng".
"Biết chủ trương học online nên bữa giờ mình cũng mượn máy tính của con trai lớn để tập dượt cho con gái chuẩn bị năm học. Tuy nhiên, Internet không ổn định nên mình cũng lo lắng cho chất lượng học của con"- chị Hòa chia sẻ.