“Cuộc chiến” chọn ngành chọn trường
Hiện nay, ngành "hot", trường "hot" trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều sĩ tử bởi các em cho rằng đó là ngành nghề được xã hội trọng dụng, cơ hội việc làm cao. Bạn Nguyễn Hải Thùy An - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Nữ sinh cho biết, bản thân chưa xác định được ngành học muốn theo đuổi nên ưu tiên những ngành nghề có cơ hội việc làm lớn.
“Theo em, ngành hot là ngành mà xã hội hiện tại đang cần nên mới trở thành lựa chọn của nhiều người. Ngoài ra, việc học ngành top, trường top cũng giúp hồ sơ xin việc của em đẹp hơn, nâng cao cơ hội việc làm” - Hải An bày tỏ.
Băn khoăn về chọn ngành nghề, Minh Ánh - học sinh Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại cho rằng - nên chọn nguyện vọng dựa trên đam mê và thực lực của bản thân.
“Lựa chọn ngành nghề theo trend dễ dẫn tới cảm giác chán nản, chơi vơi, không theo kịp tiến độ học tập. Vậy nên, em ưu tiên chọn ngành nghề dựa trên niềm yêu thích và năng lực của em” - Minh Ánh cho hay.
Cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định
Chọn ngành, chọn trường luôn là bài toán khó đối với sĩ tử. Theo các chuyên gia, thí sinh nên tìm hiểu dự báo nhu cầu nhân lực ở mỗi ngành, từ đó tìm hiểu sâu vào ngành mình yêu thích.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết - nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đang có nhu cầu lao động rất lớn.
“Trong những năm gần đây, Chính phủ tập trung khá nhiều nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải. Theo đánh giá của chúng tôi, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Đường sắt đô thị, Đường sắt cao tốc đang có nhu cầu nguồn nhân lực lớn” - PGS.TS Lê Hoài Đức cho hay.
Cũng theo vị này, thực tế, nguồn cung ứng nhân lực ở các ngành nghề trong lĩnh vực giao thông vận tải đang hạn chế bởi hai lý do. Thứ nhất, trên cả nước hiện có khá ít cơ sở đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề này. Thứ hai, phụ huynh và học sinh chưa có hiểu biết đúng đắn về ngành nên không ưu tiên lựa chọn.
Tại Trường Đại học Thủy lợi, TS Trần Khắc Thạc - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết, hiện có nhiều ngành nghề khát nhân lực nhưng thí sinh lại thờ ơ.
“Các ngành nghề thuộc khối Kỹ thuật xây dựng, Xây dựng công trình thủy, Xây dựng công trình giao thông... là ngành nghề đang rất thiếu nhân lực.
Trường Đại học Thủy Lợi nhận được rất nhiều công văn từ các công ty, tập đoàn xây dựng xin giới thiệu sinh viên tốt nghiệp thậm chí là sinh viên còn đang học nhưng có nguyện vọng đi làm. Tuy nhiên, số lượng nhân lực đầu ra không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp” - TS Trần Khắc Thạc cho biết.
Dành lời khuyên cho các sĩ tử trong giai đoạn này, TS Trần Khắc Thạc cho rằng - thí sinh cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ trước khi đặt nguyện vọng xét tuyển đại học, tránh những nuối tiếc sau này.
“Định hình mong muốn của bản thân là việc làm tiên quyết trước khi lựa chọn ngành học. Thí sinh phải biết mình muốn gì, kỳ vọng về ngành nghề ra sao mới có thể đưa ra lựa chọn tương ứng. Ngoài ra, các bạn nên tìm hiểu về nhu cầu nhân lực của xã hội trong tương lai, tránh đặt nguyện vọng theo trào lưu” - TS Trần Khắc Thạc nhấn mạnh.