Điều chỉnh nhỏ trong kỳ thi
Tại buổi giới thiệu các bài thi "Đánh gía năng lực năm 2021 - lần thứ 1" GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Bài thi đánh giá nhằm đánh giá năng lực của học sinh hình thành sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THPT.
Trong giai đoạn tới đây, nhà trường tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh THPT một cách toàn diện hơn, phù hợp khoa học khảo thí hiện đại.
Ba nhóm năng lực chính cần đánh giá gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ, Khoa học (tự nhiên - xã hội)".
Bài thi đánh giá năng lực tiếp cận theo hướng phi truyền thống (không học và thi theo khối hay tổ hợp) nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT đang theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ (ban hành 2006) và tiếp nối chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018), không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như giai đoạn 2015-2016.
Về dạng thức bài thi đánh giá năng lực năm 2021 có điều chỉnh, thay đổi so với trước đây. Bài thi năm 2021 gồm 3 phần với tổng thời lượng là 195 phút, với 150 câu hỏi và điểm tối đa là 150 điểm.
Đối với phần thay đổi, GS Nguyễn Tiến Thảo cho hay: "Phần 3 được điều chỉnh so với những năm trước. Dạng thức phần này bao gồm cả phần tự nhiên và xã hội. Phần khoa học gồm 50 câu hỏi và 60 phút cũng gồm 2 phần trắc nghiệm và điền đáp án.
Ngoài ra, kiến thức tập trung chương trình lớp 11 và 12.
Trong đó 2 phần tư duy định lượng, tư duy định tính giữ nguyên. Cụ thể, phần tư duy định lượng bao gồm 50 câu hỏi gồm trắc nghiệm và điền đáp án. Thí sinh được thực hiện trong 75 phút. Thí sinh tiến hành giải 50 câu hỏi trắc nghiệm của phần tư duy định tính trong vòng 60 phút.
Mục đích kỳ thi
Đối với kỳ thi Đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, bài thi phục vụ nhiều mục đích. Trong đó, có sử dụng để tuyển sinh đại học và hướng nghiệp cho học sinh. Công tác thi và tuyển sinh là hoàn toàn tách biệt.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng kịch bản chi tiết cho các đợt thi năm 2021. Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những nhóm câu hỏi phù hợp với 3 nhóm năng lực xác định, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020.
Với các thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021, GS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra lời khuyên: "Thí sinh làm bài thi mẫu trên giấy hoặc trên máy tính để làm quen câu hỏi, dạng thức, ngôn ngữ sử dụng từng phần thi. Từ đó, thí sinh đưa ra kế hoạch ôn luyện phần chưa làm tốt".
"Trước ngày thi, thí sinh cần tra cứu thông tin ngày thi, giờ thi trên tài khoản đã đăng ký. Điều quan trọng nhất là học sinh tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ nơi nào và dành thời gian ôn tập lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tác phong, thái độ, sức khoẻ, phòng chống dịch COVID-19 tốt" - GS Thảo thông tin thêm.