Phim tài liệu lịch sử làm sao cho hấp dẫn

Việt Văn thực hiện |

Phim tài liệu lịch sử Việt Nam gần đây xuất hiện trên truyền hình và trên internet ngày càng thu hút khán giả hơn vì cách tiếp cận đổi mới, góc nhìn đa chiều. Tuy nhiên, thách thức mà phim tài liệu lịch sử phải đối mặt cũng như việc tiếp cận với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ ra sao…

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc gặp bàn tròn với hai đạo diễn gạo cội của Điện ảnh Quân đội Nhân dân và một đạo diễn trẻ từ công ty làm phim tư nhân.

Nhìn nhận thẳng thắn thì phim tài liệu lịch sử Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu của người xem và chính các anh chưa?

* Đạo diễn NSƯT Phạm Huyên: Phim tài liệu lịch sử thì ĐAQĐND làm nhiều. Nói đã đáp ứng nhu cầu người xem và của người làm phim chưa cũng khó vì mỗi giai đoạn lịch sử có những quan niệm khác nhau về chiến tranh. Phim tài liệu làm ngay sau Ngày Giải phóng miền Nam 30.4.1975 có khác với bộ phim “Mùa xuân toàn thắng” (1996) và ngày nay phim làm về chiến thắng này lại khác trong bối cảnh có nhiều quan điểm khác nhau. Thậm chí, có ý kiến đặt vấn đề liệu thống nhất đất nước có cần thiết một cuộc chiến và xa hơn còn đánh đồng cuộc chống xâm lược với nội chiến. Tổng cục Chính trị cho làm bộ phim dài tập “Con đường đã chọn” để khẳng định lại đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, để thế hệ trẻ thấy rõ hơn mục đích, tính chất cuộc chiến.

Phim tài liệu lịch sử phải đảm bảo tính chân thực và cách nhìn đa chiều trong mỗi sự kiện, để cái lõi cuối cùng khẳng định chân lý nằm ở đâu. Phim phải tìm được những nhân chứng trực tiếp tham gia sự kiện, và có thể họ không phải trả lời phỏng vấn lần đầu, nhưng tại mỗi thời điểm, họ có thể có những chiêm nghiệm mới.

* Đạo diễn NSND Lưu Quỳ: Có phim, bản thân tôi muốn được nói nhiều hơn, và khán giả cũng có nhu cầu được biết thêm, nhất là những chuyện bên lề, nhưng tùy thời điểm mới được nói, được công bố. Có chuyện đúng, chuyện hay thuộc diện “thâm cung bí sử” nhưng đưa ra chưa đủ bằng chứng, lập luận hoặc là cấp trên chưa cho phép.

ĐAQĐND làm phim phải đúng định hướng, không sai quan điểm. Hồi xưa, đi quay không thể quay nhiều cảnh hy sinh của đồng đội, nhưng giờ thì chính những thước phim đó lại vô cùng giá trị cho những người hưởng hòa bình.

Xưa trong phim “Cuộc đụng đầu lịch sử” có cảnh nói về Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972 khi phát hành bị cắt, giờ được nói trong phim mới.

Có một độ lùi thời gian, chúng ta có cái nhìn khách quan, vị tha, nhân bản hơn. Làm phim tài liệu lịch sử giờ nghiêng về khía cạnh nhân văn, khai thác, đi sâu vào tâm hồn con người nhiều hơn.

* Đạo diễn Bùi Chí Trung:  Đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ mới là quan trọng. Chúng tôi đang tính việc chinh phục khán giả trẻ; thế hệ Z sinh từ năm 1995 đến 2000. Làm phim theo từng phân khúc chứ khó có phim thỏa mãn mọi đối tượng.

Như việc kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Mỹ mới đây chính là năm 1995, vậy bạn trẻ sinh năm 1995 có biết gì về quan hệ Việt -  Mỹ, họ không quan tâm hay mình làm không hay.

Vấn đề khó khăn, thách thức nhất khi làm phim lịch sử là gì?

* Đạo diễn NSƯT Phạm Huyên: Phim sau làm phải khác phim trước, phải mang được góc nhìn của ngày hôm nay, vừa đáp ứng yêu cầu sự kiện lịch sử để người xem có thể chấp nhận được.

Phim phải hấp dẫn chứ thường phim lịch sử hay bị khô khan.

Cái khó nữa là các nhân chứng quan trọng thường đã già, nhiều người đã mất. Có nhân chứng thì nói không chuẩn. Như tập 6 phim dài “Con đường đã chọn”, tôi có nhờ 1 đạo diễn trẻ đi quay phỏng vấn một nhân chứng về trận Điện Biên Phủ. Về tôi nghe lại toàn bộ nội dung nhân chứng nói khoảng 30 phút và nhận ra ông ta chỉ nghe kể rồi nói lại, chứ không phải chứng kiến.

Nhân vật nói mình tham gia đánh trận Him Lam, rồi đánh C1, A1 và ở đơn vị 209, hồi đó cấp quân hàm chỉ là trung sĩ, thượng sĩ. Thế thì ông ta không thể nhảy từ đơn vị này sang đơn vị khác để đánh các trận khác nhau. Và tôi đã bỏ đoạn phỏng vấn đó. Quả nhiên, sau đó, một đài truyền hình khác có phát phỏng vấn ông này lên tivi và bị cựu chiến binh phản đối vì ông ta nói sai… Làm phim lịch sử, đạo diễn phải đọc kỹ lịch sử.

* Đạo diễn NSND Lưu Quỳ: Cái khó là lịch sử thường được lưu trữ bằng chữ, còn lên hình phải có nhân chứng kể mà nhân chứng phải là người biết nhiều, có tầm bao quát, lính nhỏ không thể bao quát được. Như làm phim “Đường mòn trên biển Đông” về con tàu không số, có chị em nói mình là nhân chứng đi tàu không số, nhưng tôi thấy chị ta ít tuổi hơn tôi nhiều nên không thể là nhân chứng. Nói chung phải kiểm tra chéo, hỏi nhiều nơi, để chọn nhân vật đáng phỏng vấn.

* Đạo diễn Bùi Chí Trung: Có một số ý kiến đổ lỗi cho giới trẻ không quan tâm, không để ý đến phim tài liệu lịch sử Việt Nam. Nhưng thực tế là nhiều bạn trẻ tự nghiên cứu phim lịch sử Việt, mày mò, tìm thông tin và trình bày quan điểm trên các diễn đàn. Các bạn đòi hỏi được tiếp cận thông tin ở mức độ cao, thẳng thắn và tiếp nhận những va đập, chỉ trích và không giấu dốt.

Đạo diễn, NSƯT Phạm Huyên (Điện ảnh Quân đội Nhân dân - ĐAQĐND) từng làm nhiều phim như “Khát vọng người”, “Việt Nam - Campuchia không bao giờ quên”, “Những người giữ biển”, “Sóng nhà giàn”, “Những người chốt giữ thành cổ”, “Khát vọng Hoàng Sa - Trường Sa”, “Con đường đã chọn”.

Đạo diễn NSND Lưu Quỳ (ĐAQĐND) đã làm các phim như “Trại Davis”, “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc”, “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương”, “Con đường đã chọn”.

Đạo diễn Bùi Chí Trung - Giám đốc Công ty Media 21 - từng làm các phim: “Vị tướng nông dân”, “Chiến thắng Tua Hai”, “Thống nhất đất nước”, “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, “60 năm hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cuba”.

Làm phim tài liệu lịch sử phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dài hơi chứ không phải đợi đến các kỳ cuộc, Nhà nước đầu tư rót tiền mới làm phim. Sản phẩm nào tốt bán ra thị trường, không cần kỳ cuộc, sẽ có sức ép cạnh tranh khác. Và khi không phụ thuộc vào cơ chế tài chính của Nhà nước, vào các dịp lễ lạt, kỷ niệm thì sức sáng tạo của biên kịch, đạo diễn có khi càng mở rộng.

Hiện tượng “lật sử” đang là sự cảnh tỉnh. Hiện nay, những ai làm phim, lò nào đào tạo? Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và một nhóm học trường báo chí. Môn phim tài liệu có 45 tiết, trong khi làm phim phải học cả đời. Xu hướng học đạo diễn thì thích làm phim truyện hơn, đi học làm phim tài liệu ở Anh, Mỹ  thì về làm phim quảng cáo. Vậy thì các hãng phim phải là trung tâm đào tạo và trẻ cần có nhiều sân chơi phim tài liệu hơn.

Theo các anh, có bí quyết nào để làm phim hấp dẫn?

* Đạo diễn NSND Lưu Quỳ: Phim không chỉ nói về cuộc chiến, nếu thời lượng 70 phút thì cũng nên dành 1 phút kể về bên lề cuộc chiến. Như khi tôi làm phim về trận đánh Thành cổ Quảng Trị 1972 có thêm một chút tâm tư của người lính, có thêm góc riêng của 1 vị tướng, làm phim thú vị hơn. Và phim tài liệu phải có góc nhìn ngày hôm nay. Phim tôi được phát sóng, nhiều bạn trẻ gọi điện đến góp ý, khen có, chê có và cái gì sai thì nhắc. Khán giả trẻ xem kỹ và không thờ ơ với thời cuộc.

* Đạo diễn NSƯT Phạm Huyên: Một bộ phim dù hay về tiết tấu về giai điệu mà toàn thông tin cũ thì xem 5 phút người xem cũng chán. Quan trọng nhất phải là thông tin mới. Ví dụ, tôi đưa vấn đề nước lớn đối với chúng ta như thế nào, họ có lợi dụng và lợi dụng cuộc chiến như thế nào. Cuộc gặp Mao Trach Đông và Nixon năm 1972, Trung Quốc và Mỹ được lợi gì, chúng ta được lợi những gì. Hay câu chuyện để dẫn đến việc giải phóng miền Nam 2 năm, chúng ta có một tổ trung tâm bí mật chuyên nghiên cứu, tổng kết các cuộc chiến thế giới và cuộc chiến ở ta, rồi soạn thảo kế hoạch tác chiến giải phóng miền Nam, cả thảy đến 8 lần mới ra bản cuối cùng.

* Đạo diễn Bùi Chí Trung: Có hai phương pháp tiếp cận khi làm phim hoặc đắm mình vào trong cuộc chiến, vẽ lại cuộc đời mình như các bác, các anh đã trực tiếp tham gia cuộc chiến. Hoặc làm phim mang một nhận thức khác, nói về việc gìn giữ hòa bình. Như phim “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa”, tôi chọn cách tiếp cận khác.

Quay lại các hãng phim, tôi thấy yếu về công tác nghiên cứu, ai có biết có bao nhiêu kịch bản, bao nhiêu phim làm về cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới… rồi bao nhiêu phim Việt và quốc tế. Phải nghiên cứu những người đi trước, để thay đổi mình, để biết cách quảng bá, biết cách quảng bá, để tiếp cận đại chúng. Người làm phim cũng phải có tư duy kinh tế.

Theo tôi, một trong những yếu tố hấp dẫn chính là việc “giải mật” những sự kiện lịch sử. Quan điểm của các anh?

* Đạo diễn NSND Lưu Quỳ: Chuyện giải mật phụ thuộc vào biên kịch. Và được thông qua, Nhà nước cho nói đến đâu thì nói đến đó. Dĩ nhiên, càng giải mật được nhiều thì càng hay, có điều phải vấn đề gì cũng cần nghiên cứu thêm nhiều chiều.

* Đạo diễn NSƯT Phạm Huyên: ĐAQĐND kiểm duyệt chặt chẽ. Đạo diễn đưa thông tin tối đa, còn tùy hội đồng duyệt cho mở đến đâu, mình làm đến đấy. Hiện nay, nhiều vấn đề đã chạm đến, nhưng chưa nói tới cùng.

* Đạo diễn Bùi Chí Trung: Nhìn từ khía cạnh pháp lý, chúng ta chưa có nền tảng luật công bố công khai thông tin. Bao nhiêu năm thì được phép công bố thông tin hết và nội dung nào cần che, nội dung nào mở dần. Cá nhân tôi cho rằng, giải mật không quan trọng bằng thông điệp mới trong phim.

Vai trò đặt hàng của Nhà nước như thế nào? Nếu sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu thị trường thì nó có bị thị trường hóa? Phim Nhà nước cho dân, dân có dùng không?

Bao nhiêu tập phim Nhà nước có chỉ số rating cao và được share trên mạng. Rõ ràng chúng ta phải đi bằng hai chân: Nhà nước và nhân dân cùng làm…

Xin trân trọng cám ơn các anh về cuộc trao đổi thú vị này.

Việt Văn thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Tiếc cho phim tài liệu, khoa học Việt

Việt Văn |

Sức mạnh của phim tài liệu, phim khoa học luôn là phản ánh những vấn đề nóng, thiết thân của xã hội. 34 phim tài liệu và 12 phim khoa học dự thi giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay thực sự là một thách thức với Ban giám khảo, để chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất để tôn vinh.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và thế giới

VƯƠNG TRẦN |

Hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu tại triển lãm.

Công bố nhiều tài liệu quý của Nga, Pháp, Hoa Kỳ về Bác Hồ

PV |

Ban Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” lựa chọn công bố, giới thiệu hơn 100 tài liệu quốc gia hiện đang bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếc cho phim tài liệu, khoa học Việt

Việt Văn |

Sức mạnh của phim tài liệu, phim khoa học luôn là phản ánh những vấn đề nóng, thiết thân của xã hội. 34 phim tài liệu và 12 phim khoa học dự thi giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay thực sự là một thách thức với Ban giám khảo, để chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất để tôn vinh.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và thế giới

VƯƠNG TRẦN |

Hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu tại triển lãm.

Công bố nhiều tài liệu quý của Nga, Pháp, Hoa Kỳ về Bác Hồ

PV |

Ban Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” lựa chọn công bố, giới thiệu hơn 100 tài liệu quốc gia hiện đang bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ.