Sơn Tùng M-TP trở lại đường đua Vpop với MV "There's No One At All", phát hành tối 28.4. Đây là sản phẩm được giọng ca Thái Bình đặt kỳ vọng sẽ giúp anh “chinh phục đỉnh núi mới”, nhưng MV nhanh chóng gây tranh cãi gay gắt vì chi tiết tự tử xuất hiện cuối cùng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nền tảng xã hội gỡ ngay MV mới của nam ca sĩ, vì thông điệp tiêu cực, gây tác động xấu đến giới trẻ, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ việc trẻ vị thành niên tự tử thương tâm.
Tối 29.4, Sơn Tùng đã lên tiếng xin lỗi và chủ động ngừng phát hành MV “There is no one at all”.
Sơn Tùng quá “nhờn”?
Trong MV "There's No One At All", Sơn Tùng hóa thân thành chàng trai cô độc, bị bỏ rơi, bị xã hội cô lập.
Nhân vật dần tha hóa, trở thành chàng trai bất cần, nổi loạn và luôn phải đấu tranh với những mặt sáng - tối trong con người mình. Bên ngoài ngổ ngáo, quậy phá nhưng bên trong lại vụn vỡ vì thiếu tình yêu thương.
Phần hiệu chỉnh hình ảnh MV được thực hiện bởi Jacob McKee - người đứng sau loạt MV đình đám của nhiều nghệ sĩ quốc tế như Khalid, Billie Eilish, Joji… Vì vậy, sản phẩm trở lại của Sơn Tùng có concept khá hài hòa với gam màu trầm, tạo cảm giác u tối, ma mị.


Tuy nhiên, lại một lần nữa cư dân mạng soi ra những chi tiết mà MV Sơn Tùng được cho là “vay mượn” ý tưởng từ các sản phẩm âm nhạc của Big Bang.
Mái tóc xoăn của nam ca sĩ giống hình tượng Daesung ở “Still Life”. Nhiều phân cảnh trong MV như dùng chân đạp vào gương chiếu hậu ôtô, đập phá quán ăn, ngổ ngáo trên đường phố… bị so sánh với loạt MV đình đám của Big Bang như “Haru Haru”, “Loser”, hay 2 MV “Michigo” và “Crooked” của trưởng nhóm G-Dragon.
Đây không phải lần đầu Sơn Tùng M-TP vướng ồn ào “đạo nhái”. Hầu như mỗi lần ra sản phẩm mới, nam ca sĩ đều bị tố vay mượn ý tưởng về âm nhạc hoặc hình ảnh. Anh liên tục mặc trang phục giống phong cách G-Dragon khi trình diễn. “Em của ngày hôm qua”, “Chắc ai đó sẽ về”, “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Chúng ta của hiện tại”... liên tiếp bị tố đạo nhái.
Thậm chí, đến khi cư dân mạng soi ra MV "There's No One At All" có những chi tiết “bắt chước” Big Bang, nhiều khán giả ngán ngẩm cho rằng, “không có gì lạ, đây là chuyện thường tình”.
Phải chăng Sơn Tùng đã quá “nhờn” sau nhiều lần “vay mượn”?

Giọt nước tràn ly
Lần đầu tung sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh với tham vọng thử thách bản thân, vượt qua giới hạn và chinh phục những đỉnh cao mới, Sơn Tùng chia sẻ: “Tôi muốn từ câu chuyện của mình có thể lan tỏa tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, không lùi bước đến với tất cả các bạn trẻ. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, thay vì do dự, hãy quyết đoán”.
Sơn Tùng có ý tưởng, muốn mang tới thông điệp nhưng cách truyền tải tiêu cực, sai lầm đã phá hủy tất cả. Anh khuyên người trẻ “hãy chiến đấu”, “hãy quyết đoán” song lại chọn cái kết MV quá bi thảm và không lối thoát.
"There's No One At All" táo bạo trong cách kể chuyện, dám phản ánh mặt tối xã hội. Nhưng cảnh Sơn Tùng gieo mình xuống tòa nhà đã “hủy hoại” thông điệp đó.

Nhiều khán giả tiếc nuối, giá mà MV dừng lại ở khoảnh khắc chàng trai thả chiếc máy cassette như buông bỏ chính quá khứ tăm tối để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, thì nó đã không bị tẩy chay dữ dội.
Là người nổi tiếng với đông đảo khán giả trẻ, Sơn Tùng phải thừa biết tình tiết gây sốc này sẽ tạo làn sóng tranh cãi lớn… nhưng nam ca sĩ vẫn chọn “chiêu trò”. Chỉ là anh không lường trước được hậu quả nặng đến vậy.
“Chiêu trò” từ lâu đã là một phần trong chiến lược truyền thông, tạo sức nóng của Sơn Tùng, bên cạnh chất lượng âm nhạc. Nhưng lần này, sự cộng hưởng của “chiêu trò” vay mượn ý tưởng và tình tiết gây sốc quá đà đã phản tác dụng.
Với hình ảnh tăm tối này, Sơn Tùng M-TP đã không còn giữ được hình ảnh tươi sáng, tràn ngập năng lượng - mà anh từng có. Sơn Tùng đánh mất truyền cảm hứng yêu cuộc sống cho hàng triệu khán giả trẻ mà anh từng làm.