"Ni cô Huyền Trang": Một dấu chấm tuyệt đẹp trong sự nghiệp diễn xuất

HOÀI ANH - THẢO ANH |

“Tôi nghĩ rằng mình là người nghệ sĩ và cũng giống như một cầu thủ, cần biết rời sân đúng lúc. Tôi luôn nghĩ rằng, khó có vai nào vượt qua được cái bóng của ni cô Huyền Trang, đó là vai diễn để đời rồi. “Biệt động Sài Gòn” là một dấu chấm tuyệt đẹp trong sự nghiệp diễn xuất của tôi” – NSƯT Thanh Loan - chia sẻ với chúng tôi sau 34 năm phim công chiếu.

Thanh âm lẹt xẹt của những thước phim nhựa phát ra từ máy tính trong căn nhà cổ trên phố Yết Kiêu (Hà Nội). Đã hơn 30 năm nay, cứ mỗi dịp ngày lễ 30.4 - 1.5, NSƯT Thanh Loan đều ngồi uống trà, xem lại những thước phim lịch sử “Biệt động Sài Gòn”, gặp lại vai diễn của mình - ni cô Huyền Trang. Ở cái tuổi thất thập, NSƯT Thanh Loan với mái tóc đã bạc nhiều, nhưng nét đẹp yêu kiều, thanh lịch vẫn vẹn nguyên, vẹn nguyên cả nụ cười duyên dáng, nhân hậu. Thanh Loan - người phụ nữ từng làm điện ảnh Việt Nam dậy sóng những năm 80 thế kỷ trước...

31 năm sau mới gặp nguyên mẫu nhân vật của mình

Thưa bà, 34 năm nhìn lại sau ngày bộ phim công chiếu, mối lương duyên vai diễn ni cô Huyền Trang có ý nghĩa như thế nào đối với bà?

- Thời điểm hơn 35 năm trước, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” đã bấm máy được 1 năm rồi nhưng vẫn chưa tìm được người đóng vai ni cô Huyền Trang. Trong một lần đi công tác, tôi gặp anh Trịnh Thái – hoạ sĩ chính của phim này. Anh ấy ngỏ ý bảo đoàn phim đang cất công tìm người đóng ni cô Huyền Trang. Sau đó, tôi đọc kịch bản và thấy hay quá, có đất cho diễn viên thoả máu nghề.

Đạo diễn Long Vân gặp tôi và mối lương duyên với vai diễn bắt đầu từ đó. Hồi đó, bộ phim sản xuất trong một thời gian rất dài và chủ yếu là anh em diễn viên nghệ sĩ miền Bắc vào. Cả nước chỉ có một cơ sở duy nhất in tráng phim nhựa là Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương nên chúng tôi mỗi một lần quay xong đều phải gửi ra Hà Nội kiểm tra chất lượng rồi mới tiếp tục quay. Chặng đường như thế rất gian nan và công phu, tỉ mỉ.

Sau hơn 30 năm, sức sống của bộ phim vẫn có thể bền vững. Đối với tôi, đó chính là phần thưởng ý nghĩa, là niềm tự hào của những nghệ sĩ tham gia bộ phim kinh điển này.

Làm phim vào những năm 80 thế kỷ trước, từ Bắc vào Nam đóng phim trong 4 năm hẳn là nhiều khó khăn, thưa bà?

- Thời đó phương tiện đi lại cực kỳ khó khăn. Lúc đó, quả thật mà đi được chuyến máy bay ra Hà Nội là ghê gớm lắm. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 7 rất ưu ái chúng tôi. Ngoài trang bị những trang thiết bị để đóng phim như máy bay thời Mỹ, xe tăng, tàu, áo lính Mỹ, Quân chủng Không quân còn tạo điều kiện thỉnh thoảng cho anh em nghệ sĩ đi nhờ máy bay quân sự ra Hà Nội. Vậy là chúng tôi đỡ tiền vé.

Mỗi lần như thế, chúng tôi vừa mừng vừa lo vì máy bay quân sự vận tải chở hàng. Chúng tôi ngồi 2 bên, còn hàng hoá ở giữa. Thỉnh thoảng, các anh phi công lại phải nhắc nhở chúng tôi ngồi dịch lên kẻo nặng đuôi máy bay nguy hiểm quá. Đó là những chuyến bay mà cả đời tôi không thể quên được.

Lúc đó, 2 con tôi còn nhỏ, con gái 10 tuổi, con trai lên 8, chồng tôi là tiến sĩ khoa học đang ở nước ngoài nên con cái phải nhờ bà nội chăm sóc hộ. Vì phim quá dài, nên có lần, tôi cũng đón bố đẻ, mẹ chồng tôi và các con vào. Các diễn viên khác cũng thế, nên đoàn phim như biến thành nhà trẻ rất náo nhiệt.

NSƯT Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: TƯ LIỆU
NSƯT Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: TƯ LIỆU

Theo bà, điều gì làm nên giá trị và sức sống lâu bền của bộ phim?

- Tôi thấy thế hệ trẻ vẫn nhớ đến bộ phim "Biệt động Sài Gòn" dù được sản xuất cách đây hơn 35 năm rồi. Mỗi dịp 30.4 – Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dịp lễ tết, bộ phim lại được công chiếu trên rất nhiều hệ thống kênh. Đó là phần thưởng quý, nhất là với những người nghệ sĩ như chúng tôi.

Phim hồi đó là tác phẩm điện ảnh đạt được về cả nội dung và nghệ thuật. Đến thời điểm này, nó vẫn được đánh giá là bộ phim cách mạng kinh điển của Việt Nam. Tôi nghĩ, giá trị và sức sống lâu bền của bộ phim đến từ sự công phu, chuyên nghiệp trong việc xây dựng từ đạo diễn, quay phim, diễn viên toàn tâm toàn ý. Hồi đó không có kỹ xảo nhiều nên các bối cảnh quay khói lửa, ánh sáng đều là thật. Chúng tôi y như đang sống trong chiến tranh vậy.

Là phụ nữ Hà Nội gốc nhưng bà vào vai quá “ngọt” - ni cô Huyền Trang -  nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Vì sao bà có thể vào vai xuất thần như vậy?

- Hồi đó, tôi phải vào chùa Dược Sư ở 1 tuần, ăn cơm chay để các ni sư dạy cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực như thế nào. Quan trọng nhất là dáng đi khất thực của người tu hành rất khoan thai, mắt nhìn xuống. Tóc tôi thời đó rất dài, dài ngang thắt lưng nhưng tôi đã phải cắt đầu tém hợp vai nữ biệt động giả trang.

Điều đặc biệt khiến chúng tôi vào vai ngọt là vì được tiếp xúc với chính những nguyên mẫu của nhân vật mình thủ vai – đó chính là những chiến sĩ trong biệt động thành năm xưa. Thời gian tiếp cận với nhân vật và thâm nhập thực tế đã làm cho người nghệ sĩ tích luỹ được vốn sống, sự cảm hoá của nhân vật rất kỹ để hoá thân diễn xuất tốt hơn.

Tôi cũng có may mắn là vào bộ đội từ lúc 15 tuổi. Cuộc sống của tôi là một người lính được tôi luyện trưởng thành trong môi trường quân ngũ, là sĩ quan có sự tích luỹ đầy đủ và thấm vào máu mình tình yêu đất nước. Chính vì thế, tôi hiểu được sự gian khổ của người lính trong thời kỳ chiến tranh.

Bà có thể chia sẻ thêm về những nguyên mẫu – những chiến sĩ biệt động Sài Gòn ngày ấy?

- Lúc tôi gặp, họ đã là những sĩ quan huân chương đầy ngực vẫn vô cùng giản dị, dễ thương. Như ông Tư Chu trong phim được xây dựng hình tượng là nhà tư sản rất đẹp trai, nhưng ngoài đời lại là người vóc dáng nhỏ nhắn. Họ quá đỗi bình dị, mộc mạc nhưng rất anh hùng. Họ lao vào cuộc chiến, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Phải là những người có bản lĩnh ghê gớm mới có thể làm được những công việc như vậy.

Nhưng ngày đó, tôi không được gặp nguyên mẫu của chính mình – ni cô Huyền Trang, chỉ gặp đồng đội của bà vì bà đang tu tại ngôi chùa ở An Giang. Mãi sau đó, cách đây 3 năm, tức là 31 năm sau ngày công chiếu bộ phim, tôi mới được gặp bà. Bà là Ni trưởng Thích Nữ Huyền Trang, pháp danh Diệu Thông, pháp hiệu Huyền Trang, tên thật Phạm Thị Bạch Liên. Lúc này, bà đã 87 tuổi. Bà ra Hà Nội có buổi lễ tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam xuất sắc, được bình chọn là một trong những tấm gương “Trung với nước - hiếu với dân”.

Và tại chùa Quán Sứ, một Huyền Trang thật và một Huyền Trang hóa thân là tôi gặp nhau trong niềm xúc động. Hồi đó, bà vẫn đang cư ngụ tại một ngôi chùa ở An Giang.

“Tôi vẫn làm nghệ thuật nhưng theo một cách khác”

Hiện tại, dàn diễn viên phim “Biệt động Sài Gòn” ngày ấy có thường xuyên gặp gỡ hay không, thưa bà?

- Cách đây vài tháng, tôi và dàn diễn viên “Biệt động Sài Gòn” đã gặp nhau sau 34 năm tại một chương trình truyền hình. Gặp nhau, tóc ai cũng đều có mùi thuốc nhuộm, khuôn mặt ai cũng đều nhuốm màu thời gian, chỉ có cảm xúc về những nhân vật trong bộ phim năm ấy là vẫn vẹn nguyên. Những dịp đại hội điện ảnh, chúng tôi cũng gặp nhau. Nhưng bây giờ, anh em đoàn phim cũng chỉ 4, 5 người còn sống.

Từng là "hiện tượng điện ảnh", nhưng bà nhanh chóng rút lui khỏi màn ảnh, đến bây giờ bà có tiếc nuối?

- Ni cô Huyền Trang là vai cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Sau đó, tôi chuyển sang vai trò phát thanh viên, đạo diễn, Phó Giám đốc Hãng phim Công an. Sau mấy chục năm, bây giờ, rất nhiều người không nhớ tôi là Thanh Loan mà vẫn nhớ và gọi tôi là ni cô Huyền Trang, trên Facebook cũng vậy. Tôi nghĩ đó là phần thưởng xứng đáng cho sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Đây có thể coi là vai diễn để đời của tôi. Nhiều người có hỏi tôi là tại sao không đóng tiếp nữa. Nhưng do điều kiện công tác, khi đó tôi đang là Phó Giám đốc Điện ảnh Công an, làm đạo diễn nên tôi không có thời gian để đi đóng phim. Quả thật trong thâm tâm tôi thì chưa có kịch bản nào hay và chưa có nhân vật nào hay đủ vượt qua cái bóng của Ni cô Huyền Trang, nên tôi cũng ít nhận lời đóng.

Xin trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

HOÀI ANH - THẢO ANH
TIN LIÊN QUAN

Dàn diễn viên "Biệt động Sài Gòn" tái hợp sau hơn 30 năm tại "Ký ức vui vẻ"

Linh Chi |

Trong tập 15 của chương trình “Ký ức vui vẻ” mùa 2 vừa lên sóng, khán giả như vỡ òa khi thấy dàn diễn viên của bộ phim kinh điển phim “Biệt động Sài Gòn”.

Diễn viên đóng vai trùm tình báo "Biệt động Sài Gòn" qua đời vì bệnh nan y

Thảo Anh |

Nghệ sĩ Bùi Quang Thái thủ vai trùm tình báo Tư Chung của "Biệt động Sài Gòn" vừa qua đời vào tối 17.6 sau 3 năm chống chọi với chứng tai biến mạch máu não.

“Ni cô Huyền Trang” bức xúc vì bị lấy hình ảnh quảng cáo thuốc trị hói

Hải Minh |

NSƯT Thanh Loan cho biết, bà vô cùng bức xúc vì một doanh nghiệp đã “ăn cắp” hình ảnh của bà để quảng cáo thuốc trị hói… khiến cuộc sống của bà bị đảo lộn, uy tín của bà bị ảnh hưởng.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Dàn diễn viên "Biệt động Sài Gòn" tái hợp sau hơn 30 năm tại "Ký ức vui vẻ"

Linh Chi |

Trong tập 15 của chương trình “Ký ức vui vẻ” mùa 2 vừa lên sóng, khán giả như vỡ òa khi thấy dàn diễn viên của bộ phim kinh điển phim “Biệt động Sài Gòn”.

Diễn viên đóng vai trùm tình báo "Biệt động Sài Gòn" qua đời vì bệnh nan y

Thảo Anh |

Nghệ sĩ Bùi Quang Thái thủ vai trùm tình báo Tư Chung của "Biệt động Sài Gòn" vừa qua đời vào tối 17.6 sau 3 năm chống chọi với chứng tai biến mạch máu não.

“Ni cô Huyền Trang” bức xúc vì bị lấy hình ảnh quảng cáo thuốc trị hói

Hải Minh |

NSƯT Thanh Loan cho biết, bà vô cùng bức xúc vì một doanh nghiệp đã “ăn cắp” hình ảnh của bà để quảng cáo thuốc trị hói… khiến cuộc sống của bà bị đảo lộn, uy tín của bà bị ảnh hưởng.