Nhà sản xuất phim Việt vừa làm vừa lo

Việt Văn |

Theo báo cáo, hiện, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim, nhưng thực tế chỉ khoảng chục “đại gia” có tiếng, có sản phẩm liên tục mỗi mùa phim, dù không phải ra phim nào thắng phim đó. Phim Việt doanh thu trăm tỉ không còn hiếm, nhưng để phim không lỗ và chiếm thị phần vẫn còn nhiều mối lo…

500 doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim, nhưng xem ra gọi là có thực lực để đi đường dài thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngoài ra, một số hãng thì cầm cự theo kiểu thời vụ, đa số còn lại, sản xuất 1 - 2 phim rồi ngưng hoạt động. Thị trường điện ảnh tăng trưởng mạnh, tốc độ trung bình từ 20% - 25%, hiện tại mỗi năm, có từ 40 - 60 phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất và ra rạp.

Có thể kể tên những “đại gia” khó ai có thể vượt mặt như: CGV, BHD, Galaxy, ngoài ra là các nhà sản xuất xuất thân từ diễn viên, đạo diễn như: Nhà sản xuất Chánh Phương, Nhất Trung, Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Dustin Nguyễn, Nghiêm Phạm, Jenni Trang Lê, Minh Hằng, Quỳnh Chi, Vân Trang, Bá Cường; Dung Bình Dương…

Cảnh phim “Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn.
Cảnh phim “Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn.

Thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng mạnh

Ðiểm lại số lượng phim sản xuất trong nước bốn năm qua, có thể thấy những con số khá ấn tượng. Nếu năm 2015 có 40 phim (6 phim nhà nước, 34 phim tư nhân); năm 2016 có 35 phim (không có phim nhà nước, 35 phim tư nhân); năm 2017 có gần 40 phim (không có phim nhà nước); thì năm 2018 đã có 41 phim (có một phim của Ðiện ảnh Quân đội, còn lại là phim tư nhân). Năm 2019 có khoảng 60 - 70 phim, và hiện tại hơn nửa số phim này đã ra rạp. Chưa tính tới mức đầu tư bình quân cho một bộ phim cũng đã tăng từ 3 tỉ đồng lên khoảng 10 - 20 tỉ đồng, và hiện tại còn cao hơn.

Giá vé xem phim trung bình hiện nay tại Việt Nam đã lên đến 60.000 đồng/vé, so mặt bằng chung các nước trong khu vực là khá cao. Khán giả đã hình thành được thói quen ra rạp thưởng thức phim Việt, nhờ vào chất lượng phim đang ngày càng được nâng cao hơn.

Thị trường đang tăng trưởng mạnh, theo thống kê, số lượng phòng chiếu phim trên cả nước năm 2018 là 901 phòng với 130.900 ghế. Tính đến nay, CGV đang có mặt ở 26 tỉnh thành với 75 cụm rạp và khoảng 445 màn hình, đến năm 2020, CGV dự định sẽ đạt được 96 cụm rạp trên tổng số khoảng 230 cụm rạp của cả nước với 1.100 màn hình, hơn cả số lượng màn hình hiện nay ở Thái Lan; Lotte Cinema đứng thứ hai với 42 rạp; BHD (BHD Media JSC) và Galaxy Cinema (Galaxy Studio JSC) lần lượt có 9 và 14 rạp trên toàn quốc, hiện đang nỗ lực mở rộng kinh doanh, BHD đặt mục tiêu có khoảng 20 rạp chiếu phim vào năm 2020…

Phim của các nhà sản xuất dần thu lãi cao

Thời gian qua, có lúc đã diễn ra "cuộc chiến" khốc liệt giữa phim Việt Nam với các phim "bom tấn" của nước ngoài sản xuất, nhưng điều đáng mừng là phim Việt vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng thu hút được khán giả đến rạp. Ðiều đáng mừng hơn, dòng phim hài nhảm, rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã dần bị đào thải. Điện ảnh thị trường của các nhà làm phim tư nhân đang chứng minh những bộ phim ăn khách đều được làm bài bản, chất lượng với tính chuyên nghiệp cao trên mọi phương diện, từ cách kể chuyện đến xử lý hình ảnh, âm thanh, trang phục, bối cảnh…

Cách đây 10 năm, phim Việt thường chỉ lãi khoảng 1 - 2 tỉ đồng, nhưng việc các bộ phim như “Quả tim máu” (2014) lãi đến 25 tỉ đồng đã khiến các nhà đầu tư để mắt đến lĩnh vực này. Còn trong số 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2015, đã có đến 4 phim Việt, trong đó, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, do Hãng phim Galaxy và Cục Điện ảnh hợp tác sản xuất, doanh thu khoảng 78 tỉ đồng, phim “Em là bà nội của anh” doanh thu hơn 100 tỉ đồng với kinh phí sản xuất chỉ khoảng dưới 9 tỉ đồng, thu hút 1,4 triệu lượt người xem sau hai tháng công chiếu… Gần đây nhất, Top 5 phim doanh thu cao nhất là: “Hai Phượng” - 200 tỉ đồng, “Cua lại vợ bầu” - 176,5 tỉ đồng, “Em chưa 18” - 171 tỉ đồng, “Siêu sao siêu ngố”: 105 tỉ đồng, “Em là bà nội của anh” - 102 tỉ đồng…

Và tìm cách vươn ra thị trường thế giới

Các nhà sản xuất phim Việt ngoài việc chiếu phim ở rạp, tham gia các giải điện ảnh trong nước như Liên hoan phim, Cánh diều… còn tìm nhiều cách để mang phim ra thị trường nước ngoài.

Con số phim được phát hành thương mại, được các nhà phát hành chuyên nghiệp và uy tín bắc nhịp cầu, thực tế còn khá ít ỏi, phần lớn đều thuộc hai thể loại: Hành động và kinh dị. Nhưng dù ít, vẫn được các nhà sản xuất mạnh tay đầu tư từ tiền kỳ tới hậu kỳ, mời nghệ sĩ quốc tế tham dự, rồi đưa ra nước ngoài làm hòa âm, kỹ xảo… để đạt chuẩn kỹ thuật cao nhất.

Như “Lửa Phật” được Grindstone Entertainment Group, Lionsgate cùng Splendid, Sonamu Pictures… mua bản quyền phát hành tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. “Bẫy rồng” được phát hành tại 9 rạp và “Dòng máu anh hùng” phát hành dưới dạng DVD tại Mỹ… “Chung cư ma” và “Ngủ với hồn ma” được trình chiếu tại nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… và phát sóng trên kênh HBO Châu Á.

Năm 2013 Galaxy Studio ký kết thỏa thuận hợp tác phát hành phim toàn cầu với Asia Releasing LLC, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) đã khiến giới điện ảnh trong nước mừng khấp khởi, phim Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội để vươn ra thế giới để ngày càng trở nên phổ biến và được cộng đồng quốc tế đón nhận, nhưng thỏa thuận chỉ đặt mục tiêu ban đầu hướng tới thị trường hẹp là những khu vực có đông người Việt hải ngoại sinh sống.

Ngoài ra một số nhà sản xuất tư nhân cũng đầu tư cho một số phim nghệ thuật để đi thi các Liên hoan phim quốc tế tạo danh tiếng như sự góp mặt của nhiều phim truyện Việt tại LHP Busan (Hàn Quốc) 2019.

Hợp tác sản xuất cũng là hướng đi khôn ngoan từng được nhiều nhà sản xuất phim Việt lựa chọn, với cái đích là những quốc gia thuộc Châu Á vốn mang nhiều nét văn hóa và nhu cầu hưởng thụ điện ảnh tương đồng: “Những cô gái và gangster 2”, “Yêu em từ khi nào” (với Hồng Kông - Trung Quốc); “Lala: Hãy để anh yêu em”, “Sắc đẹp ngàn cân” (với Hàn Quốc), “Cuộc gọi định mệnh” (với Mông Cổ)… Tháng 3.2019 “Hai Phượng” đã trở thành một hiện tượng, khi doanh thu 200 tỉ đồng, và cũng là bộ phim đầu tiên được phát hành cùng lúc tại cả Việt Nam và Mỹ (gần 600 rạp tại Bắc Mỹ), sau 3 ngày cuối tuần trình chiếu, "Hai Phượng" (tên tiếng Anh là Furie) đã kịp đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại thị trường lớn nhất thế giới này, không chỉ vậỵ, một hợp đồng phát hành có giá trị hàng triệu USD với hạ tầng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix cũng được ký kết.

Mới đây, cặp đôi đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân cũng đang xây dựng “Gái già lắm chiêu 3 - Tứ đại mỹ nhân” trên cơ sở đạt chuẩn trình chiếu trên Netflix, một series cùng tên với thời lượng 10 tập, mỗi tập 60 phút cũng sẽ có cơ hội góp mặt trên kênh này. Cùng ký được hợp đồng phát hành trên mọi nền tảng số của kênh này còn có “Trúng số”, một phim hài duyên dáng đậm phong vị văn hóa Nam Bộ của đạo diễn Dustin Nguyễn.

Còn đó nhiều nỗi lo

500 doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim, nhưng thực tế nhìn vào danh mục phim được sản xuất và ra rạp thì chỉ độ mươi “nhà”, và quanh đi quanh lại chỉ có họ, còn các “nhà” khác thì chỉ thấy xuất hiện phim đầu rồi mất hút, không hẹn “tiếp theo”. Sản xuất phim không phải cuộc chơi dành cho các “nhà” yếu mọi tiềm lực, mà cần phải có sự đầu tư bài bản và tiềm lực tài chính mạnh. Lấy trung bình 20 tỉ đồng/phim thì nhà đầu tư còn phải tiêu tốn thêm hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động PR, tiếp thị phim đến khán giả, khi phim phát hành, nhà đầu tư còn phải tiếp tục chia sẻ cho hệ thống rạp theo tỉ lệ ăn chia 50/50… Và cũng vì tính toán lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu của nhà sản xuất, nên ở mặt nào đó, phim Việt hiện tại rất hiếm có dòng phim nghệ thuật, các nhà sản xuất không thể bỏ tiền ra làm một phim mà cầm chắc lỗ bởi kén khán giả, nhưng đó không phải là điều các nhà sản xuất phim Việt muốn.

Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bảo vệ được phim Việt, giúp mọi người đến rạp thường xuyên hơn, các nhà sản xuất dùng chính lợi nhuận đó để tái đầu tư sẽ giúp quy mô thị trường điện ảnh Việt ngày càng mở rộng hơn. Hiện tại, phim nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường phim chiếu rạp, trong đó phim Mỹ chiếm tỉ lệ 49%; các nền điện ảnh Châu Á khác như Trung Quốc (9%), Hàn Quốc (6%) và Nhật Bản (5% - chủ yếu là phim hoạt hình); Phim Việt Nam chỉ chiếm 19% thị phần phim chiếu rạp.

Một doanh nghiệp sản xuất phim có chuyên môn, bài bản sẽ tạo ra những tác phẩm có chất lượng, nhưng  quy luật đào thải của thị trường cũng rất khắc nghiệt. Hy vọng các nhà sản xuất phim Việt sẽ luôn vì sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tương lai mà có những dự án chiến lược lâu bền và chất lượng cao.

Nhìn lại, doanh thu phim Việt chiếu dịp Tết Nguyên đán 2019, chỉ sau một tuần, đã thu về hơn 250 tỉ đồng, cho thấy tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư và sản xuất phim Việt Nam.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

"Thất sơn tâm linh" và những phim Việt từng dính ồn ào ngưng chiếu

NGUYỄN HỒNG |

Bên cạnh "Thất sơn tâm linh", không ít những phim Việt từng dính ồn ào cấm chiếu, bị cắt xén như "Bụi đời chợ lớn", "Vợ ba"...

Phim Việt chiếu tại Mỹ có khả năng thua lỗ, vì sao vẫn "xuất ngoại"?

HOÀI ANH |

Dù khả năng thua lỗ là rất lớn, nhưng rất nhiều phim Việt như "Hai Phượng", "Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp",... vẫn có xu hướng "xuất ngoại". 

Tăng tỷ lệ chiếu phim Việt: Có phải “Nhiệm vụ bất khả thi”?

VIỆT VĂN |

Để phim Việt không “thua trên sân nhà”, để tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh Việt Nam cơ chế và điều kiện phát triển thì một trong những điểm quan trọng được đề ra trong góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tăng tỉ lệ chiếu phim Việt chiếu rạp. Nhiều câu hỏi đặt ra như làm sao số lượng phim Việt sản xuất ra đủ cầu? Và chất lượng phim Việt liệu có đảm bảo đủ sức cạnh tranh phim ngoại?

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

"Thất sơn tâm linh" và những phim Việt từng dính ồn ào ngưng chiếu

NGUYỄN HỒNG |

Bên cạnh "Thất sơn tâm linh", không ít những phim Việt từng dính ồn ào cấm chiếu, bị cắt xén như "Bụi đời chợ lớn", "Vợ ba"...

Phim Việt chiếu tại Mỹ có khả năng thua lỗ, vì sao vẫn "xuất ngoại"?

HOÀI ANH |

Dù khả năng thua lỗ là rất lớn, nhưng rất nhiều phim Việt như "Hai Phượng", "Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp",... vẫn có xu hướng "xuất ngoại". 

Tăng tỷ lệ chiếu phim Việt: Có phải “Nhiệm vụ bất khả thi”?

VIỆT VĂN |

Để phim Việt không “thua trên sân nhà”, để tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh Việt Nam cơ chế và điều kiện phát triển thì một trong những điểm quan trọng được đề ra trong góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tăng tỉ lệ chiếu phim Việt chiếu rạp. Nhiều câu hỏi đặt ra như làm sao số lượng phim Việt sản xuất ra đủ cầu? Và chất lượng phim Việt liệu có đảm bảo đủ sức cạnh tranh phim ngoại?