Kinh doanh phim Việt: “Có nhiều tiền, chưa chắc đã biết cách tiêu hết”

Hiền Hương (thực hiện) |

Bàn về những vấn đề tồn đọng trong chiến lược công nghiệp hóa văn hóa từ 2016 đến 2030, tầm nhìn đến 2045 tại Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã có cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động.

Điện ảnh nằm trong 12 “mũi nhọn” của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thế nhưng, nếu đặt phép so sánh thị trường sản xuất và phát hành phim Việt với thị trường Hàn Quốc, sẽ thấy khoảng cách rất xa. Trong khi Hàn Quốc đang sở hữu lực lượng người tài đông đảo ở mọi khâu, từ kịch bản đến đạo diễn, diễn viên, quảng bá, phát hành... Phim Việt lại đang yếu ở mọi mắt xích. Chị có nghĩ, công nghiệp hóa phim ảnh ở Việt Nam đến 2030 sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”?

Ở những nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc hay Mỹ, họ có những “ngọn cờ” - là những tài năng đặc biệt vượt trội - có thể đưa được phim ảnh bản địa bước ra thế giới và có được thành công. Chúng ta chưa có được những “ngọn cờ” như thế. Tài năng chúng ta có, nhưng để trở thành những “ngọn cờ” sẽ rất khó.

Tôi đặt kỳ vọng vào thế hệ những nhà làm phim trẻ. Họ sẽ là những người bắt kịp được với xu thế phát triển của điện ảnh thế giới.

Nhìn quanh các quốc gia Châu Á, tôi lấy đơn cử như Iran – họ kiểm duyệt phim ảnh rất gắt gao, nhưng số phim thành công quốc tế của Iran cao gấp mấy chục lần các nước khác. Điện ảnh Iran nhiều lần đoạt Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, đơn cử như “A Separation”, “The Salesman”...

Ở Việt Nam, cơ chế kiểm duyệt cởi mở hơn rất nhiều, nhưng chúng ta chưa có được những tác phẩm chạm vào trái tim khán giả. Bộ phim không cần phải nói đến những điều quá cao siêu, chỉ cần đề cập đến những đề tài giản dị, gần gũi, nhưng sâu bên trong là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, để ai xem cũng thấy mình trong đó. Chỉ một chi tiết đời thường cũng nói lên được rất nhiều giá trị bên trong... Chúng ta cần những “ngọn cờ” như vậy, để có được tác phẩm lớn đi ra thế giới.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan. Ảnh: NV
Tiến sĩ Ngô Phương Lan. Ảnh: NV

Phim Việt từ khi bước vào cơ chế thị trường luôn bị mắc kẹt trong 2 khái niệm về “nghệ thuật” và “kiếm tiền”. Những phim giải trí để kiếm tiền luôn bị chê hài nhảm, kịch bản yếu, câu chuyện nhạt. Những phim mà đạo diễn tự quảng bá là “nghệ thuật”, “hình ảnh đẹp” lại không ai xem. Theo chị, làm thế nào để giải quyết được bài toán này?

Nghệ thuật đỉnh cao rất quan trọng, rất cần, nhưng bài toán kinh tế, chiến lược kinh doanh cũng cần không kém, nhất là khi chúng ta công nghiệp hóa văn hóa (trong đó có điện ảnh).

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về nhận thức. Nếu như trước đây, điện ảnh được xem là nghệ thuật đỉnh cao thiên về tinh thần, thưởng thức, không quy thành hàng hóa. Bây giờ đã khác, phim ảnh phải là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Các nhà làm phim đặt ra giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, đồng thời phải cho thấy đó là mặt hàng mà khán giả muốn xem.

Khi phim ế và bị chê, nhiều nhà làm phim Việt cho rằng, tác phẩm của họ là sự tâm huyết, là nghệ thuật, nếu khán giả không xem chỉ thể hiện rằng khán giả không hiểu gì về nghệ thuật, không cảm nhận được tài năng và tầm vóc của tác phẩm...

Tôi nghĩ đó chỉ là ngụy biện. Nếu anh coi tác phẩm của mình là nghệ thuật, anh sẽ phải tiếp cận được lượng công chúng riêng, nếu công chúng riêng cũng không có, đó sẽ là tác phẩm không thành công.

Trước đây, các nhà làm phim chúng ta thường mang tác phẩm ra rạp và nói rằng, tác phẩm của tôi chỉ có thế thôi, ai mua vé xem thì xem. Nghĩa là, anh chỉ bán cái anh có, chứ không bán cái khán giả cần.

Bây giờ sẽ không thể tiếp tục làm phim theo cách cũ ấy được nữa. Đã đến lúc anh coi tác phẩm là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, trong đó, anh phải tính đến thị hiếu, đến những điều khán giả cần xem, muốn xem ở tác phẩm của anh.

Khán giả càng ngày càng hiểu biết, họ tiếp cận và xem quá nhiều phim hay của mọi quốc gia trên khắp các nền tảng chiếu phim. Bởi vậy, các nhà làm phim càng phải cố gắng theo kịp khán giả. Nếu làm phim dưới tầm thưởng thức của khán giả sẽ không thể kéo được khán giả đến rạp.

Tôi thấy mừng khi nhà nước chủ trương, quyết liệt xây dựng công nghiệp văn hóa trong đó có điện ảnh, đây sẽ là cơ hội để các nhà làm phim mở rộng quan điểm, góc nhìn.

Tôi cũng xin được nhắc lại, tôi đặt kỳ vọng vào các nhà làm phim trẻ, họ sẽ tiếp cận nhanh hơn, thiết thực hơn với cách làm phim mới, khi bài toán kinh tế phải được xử lý cùng lúc với câu chuyện nghệ thuật.

Em và Trịnh là phim duy nhất trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt doanh thu trăm tỉ, nhưng chỉ xấp xỉ hòa vốn. Phim còn gây tranh cãi khi vướng kiện tụng. Ảnh: ĐLP
Em và Trịnh là phim duy nhất trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt doanh thu trăm tỉ, nhưng chỉ xấp xỉ hòa vốn. Phim còn gây tranh cãi khi vướng kiện tụng. Ảnh: ĐLP

Ở Việt Nam, nhiều dự án được đầu tư “khủng”, cả triệu USD nhưng phim vẫn không bán nổi vé. Nhiều nhà làm phim Việt Nam từng nói, với 1 triệu USD đừng bắt họ phải làm ra được tác phẩm hay có kinh phí hàng trăm triệu USD như Mỹ, Hàn. Vậy, cần phải có bao nhiêu triệu USD mới có được phim hay ở Việt Nam, theo chị?

(Cười) Tôi nghĩ, nếu không có bài toán kinh tế, không có tư duy hoạch định tài chính cho những dự án lớn, có khi, có cả 150 triệu USD các nhà làm phim Việt Nam cũng chưa chắc đã biết cách tiêu cho hết số tiền đó. Vấn đề không phải bao nhiêu tiền, mà là tiêu tiền như thế nào cho phim.

Tôi lấy ví dụ về một chương trình của Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, chúng tôi mở cuộc thi phim ngắn. Khi phát động một cuộc thi, ban tổ chức không nên chỉ ngồi đợi tác phẩm gửi đến. Chúng tôi sau khi chọn được 20 kịch bản tốt, đã mở cuộc thi thuyết trình. Ở phần này, người có kịch bản phải thuyết trình trước hội đồng giám khảo lý do họ làm phim, họ cần bao nhiêu tiền để làm dự án đó, họ đã có bao nhiêu, cần thêm bao nhiêu, họ định chi tiền như thế nào để hoàn thiện phim... Sau phần thuyết trình, 9 dự án đã được đầu tư sản xuất.

Nói như vậy để thấy, các nhà làm phim khi có một dự án, cần phải có cả tư duy hoạch định tài chính rõ ràng, có cả kế hoạch kêu gọi đầu tư cho phim.

Nhà nước sẽ không thể làm tất cả. Trước đây, dự án “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhà nước và tư nhân đã cùng đầu tư sản xuất.

Theo tôi, nhà nước có thể tham khảo cách đầu tư theo từng công đoạn. Sau khi kịch bản được duyệt, các nhà làm phim nên thuyết trình thêm, phim đó cần bao nhiêu tiền, sẽ đầu tư như thế nào, chi tiêu cho sản xuất ra sao... Để xem kịch bản đó có đáng đầu tư hay không, và nếu đầu tư, sẽ có mức bao nhiêu.

Chúng ta phải học bài toán kinh tế ở các dự án phim của Mỹ, Hàn. Cách chi tiêu của người Việt rất khác. Chúng ta không làm phim bom tấn như Mỹ, sẽ không thể có được tư duy tiêu tiền như phim Mỹ. Đừng nghĩ cứ có hàng trăm triệu USD là sẽ có phim hay ngay.

Có rất nhiều bộ phim ít tiền vẫn hay, đơn cử như điện ảnh Iran, chi phí sản xuất phim của họ thấp, nhưng tác phẩm vẫn có giá trị cao.

Nhiều phim độc lập chi phí ít nhưng vẫn thành công. Với dự án bom tấn lại khác. Để tư duy và chi tiêu hàng trăm triệu USD phải vượt lên được những “chiêu” hút khách cũ, phải mới lạ, và phải thu được số tiền lớn hơn số tiền đã bỏ ra, đó là bài toán không hề dễ.

Chị đã nhắc nhiều đến việc “học”, các nhà làm phim Việt Nam sẽ phải học cách tiếp thị, quảng bá phim như Thái Lan, cách chi tiêu tiền như phim Mỹ, Hàn... Vậy để công nghiệp hóa, phải chăng chúng ta cũng nên đưa nhân sự đi học như Hàn Quốc đã từng thực hiện?

Kiến thức, học nghề rất quan trọng. Nhưng nhà nước lấy đâu ra quá nhiều kinh phí như vậy? Cũng không thể ngồi đợi đến khi hàng trăm người đi học về, chúng ta mới có phim ảnh thành công. Sẽ rất khó cho nhà nước.

Sẽ phải kết hợp rất nhiều cách. Có thể bắt đầu từ những lò đào tạo trong nước, cách này Iran đã từng làm. Họ có những gia đình nhiều thế hệ cùng làm phim, đơn cử như gia đình đạo diễn Mohsen Makhmalbaf.

Chúng ta nên tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, kéo những nhà làm phim thế giới về đây, đồng thời đưa các nhà làm phim Việt Nam vào quỹ đạo của quốc tế để rút ngắn khoảng cách nhanh chóng.

Cũng có thể tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản, cuộc thi phim, giải thưởng cho những cuộc này là sang Mỹ học, hoặc là những bộ thiết bị làm phim hiện đại.

Chúng ta cũng cần xã hội hóa các nguồn đầu tư cho phim ảnh, chủ động kêu gọi đầu tư, kêu gọi vốn cho dự án phim.

Trên tất cả, chúng ta cũng nên có cái nhìn lạc quan để tạo động lực cho các nhà làm phim Việt Nam phấn đấu

Hiền Hương (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Loạt phim Việt thua lỗ nặng nề năm 2022

Huyền Chi |

Phim Việt thua lỗ nặng nề trong năm 2022 trong khi phim ngoại ăn nên làm ra ở thị trường Việt.

Giải cứu phim Việt, nhưng liệu có ai bỏ tiền mua vé để ra… ngủ ở rạp?

Anh Đào |

Hơn 52 bộ phim Việt lỗ sấp mặt, trở thành những “thảm hoạ phòng vé”. Khán giả, ngay lập tức bị đổ lỗi “sính ngoại” - sao xem Avatar lại chẳng màng “Kẻ thứ ba”. Nhưng thật ra, có ai mua vé phim nội để ra… ngủ ở rạp đâu.

Thua lỗ thảm bại trên sân nhà, phim Việt lại cần giải cứu?

Mi Lan |

Năm 2018, phong trào “giải cứu phim Việt” được hô hào rầm rộ khi 2 phim Việt là “Lật mặt 3” và “100 ngày bên em” bị bom tấn “Avengers: Infinity War” đè bẹp về các suất chiếu khi ra rạp. Giờ đây, đối thủ của phim Việt không chỉ là các bom tấn Hollywood.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Loạt phim Việt thua lỗ nặng nề năm 2022

Huyền Chi |

Phim Việt thua lỗ nặng nề trong năm 2022 trong khi phim ngoại ăn nên làm ra ở thị trường Việt.

Giải cứu phim Việt, nhưng liệu có ai bỏ tiền mua vé để ra… ngủ ở rạp?

Anh Đào |

Hơn 52 bộ phim Việt lỗ sấp mặt, trở thành những “thảm hoạ phòng vé”. Khán giả, ngay lập tức bị đổ lỗi “sính ngoại” - sao xem Avatar lại chẳng màng “Kẻ thứ ba”. Nhưng thật ra, có ai mua vé phim nội để ra… ngủ ở rạp đâu.

Thua lỗ thảm bại trên sân nhà, phim Việt lại cần giải cứu?

Mi Lan |

Năm 2018, phong trào “giải cứu phim Việt” được hô hào rầm rộ khi 2 phim Việt là “Lật mặt 3” và “100 ngày bên em” bị bom tấn “Avengers: Infinity War” đè bẹp về các suất chiếu khi ra rạp. Giờ đây, đối thủ của phim Việt không chỉ là các bom tấn Hollywood.