Diva Mỹ Linh: “Ai bảo tôi không đa tình?”

Thủy Lê (thực hiện) |

“Cuộc sống đành thì phong phú, nhưng một mặt, bản chất của nó cũng còn là sự đơn điệu, nhàm chán. Mà cái tâm của mình thì như một đứa trẻ con, muốn không làm hư nó thì đừng có mà hơi tý là lại mang cái này cái kia ra hầu nó, dỗ nó; lâu dần thành tâm lý hơi tý là dỗi hờn cuộc sống, bắt đền cuộc sống… Muốn nó ngoan, trật tự, thì mình phải rèn cho nó, không phải đòi gì cũng được!” – “Cô giáo” Mỹ Linh nói về cách… đi học: Học cách sống.

“Đi học cũng chính là một cách nuôi dưỡng ước mơ đi dạy”

PV: Tại “Mỹ Linh – Thời gian 2018”, tour diễn được cho là cuối cùng trong sự nghiệp, chị từng “dọa” nghỉ hát. Cứ nói thôi, còn dứt được hay không lại là chuyện khác?

Mỹ Linh: Trước khi trở thành ca sĩ, tôi từng mơ ước trở thành một cô giáo. Và đó chính ra mới là mơ ước đeo bám tôi lâu nhất, không hề là một ước mơ con trẻ, thảng hoặc. Hẳn là trước hết vì bố tôi là một nhà giáo, và những hình dung ấm áp về bố, rồi sau này là về cô giáo dạy nhạc của tôi, cũng chính là những ấn tượng đẹp nhất trong tôi về nghề giáo, về cách trao và nhận lòng tin.

Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng đã chỉ ra rồi: Năng lượng không tự nhiên sinh ra hay mất đi, mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Với nghiệp hát, tôi nghĩ mình luôn có đủ lý do và những cách thức khác nhau để nuôi dưỡng tình yêu của mình trước nó, không nhất thiết phải bằng cách đứng trên sân khấu, cả khi vẫn còn duyên.

Trước khi dự án dạy hát trực tuyến “21 ngày học hát cùng Mỹ Linh” được công bố, tôi từng nghe chị chia sẻ về dự định này từ nhiều năm trước. Phải đợi tới… COVID-19 thì nó mới thành hiện thực được sao, khi giờ đây, dạy học trực tuyến đã trở thành… “mốt”?

Ấp ủ đó là cái mầm, còn COVID-19, nó là giọt nước, thúc cái mầm kia tách vỏ. Giờ đây, khi thói quen dạy và học trực tuyến đã trở nên quen thuộc và phổ biến hơn với cả người dạy, người học, tôi nghĩ một mặt, đó cũng là một thuận lợi đáng kể để triển khai dự án.

Chị thấy tố chất nào ở chị là phù hợp nhất với nghề đứng lớp?

Kiên nhẫn, không sốt ruột. Với học trò, tôi luôn biết cách chờ đợi và khiến cho học trò tin rằng chắc chắn con làm được, kể cả không làm được thì cũng sẽ không sao cả. Trẻ con mà, nếu như người lớn nản thì cũng sẽ làm trẻ nản theo, khiến trẻ mất tin vào chính bản thân mình. Và điều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng mỗi việc học mà còn nhân cách, tâm thế sống sau này của trẻ.

Thế nên tôi rất cẩn trọng khi nhận học trò, không phải ai tôi cũng nhận, nếu như cảm thấy chưa chắc đi tới cùng được.

6 năm lập trường dạy nhạc Young Hit Young Beat, đã bao giờ chị thấy mệt mỏi vì đủ bài toán phải tính đến để duy trì được 3 điểm trường? Dạy online sẽ đỡ phải đau đầu hơn với những bài toán đó?

Đúng là có rất nhiều bài toán phải tính đến và làm khó một người nghệ sỹ như tôi khi làm quen với những vai trò mới. Nhưng xét cho cùng, cái gì mà chẳng có ngày đầu tiên. Nếu cứ hơi tý là sợ thì sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì mới cả, chứ đừng nói là đi đến cùng.

Dạy online thì là một câu chuyện khác. Thường, tôi quan sát thấy, người Việt ta rất thích hát. Vui hát, buồn hát, đứng rửa bát hát, lái xe cũng hát. Vô số cuộc tụ tập không thể thiếu “món karaoke”... Trong khi đó, việc đứng lớp trực tiếp tại điểm dạy lại hết sức giới hạn về lượng học viên có thể theo học.

Thời của livestream, tôi nghĩ mình có thể chia sẻ kinh nghiệm hơn 30 năm đi hát và gần 10 năm đứng lớp tới hàng triệu người có nhu cầu học hát, bắt đầu từ những kỹ năng cơ bản như hát đúng nốt, hát được nguyên âm mở, thực hiện được âm đóng… và làm chủ cột hơi của mình. Từ đó sẽ tự tin hơn khi hát, khi hòa giọng vào một cuộc vui…

Và ít ra giúp giảm thiểu bớt các “thảm họa karaoke tại gia” như cư dân mạng vẫn thường dở khóc dở cười ca thán?

Thế mới nói, ngay cả chơi cũng cần phải học!

Chăm học quả là một đặc sản ở chị, khi tôi thấy chị hết học tiếng Anh, khiêu vũ, piano… rồi cả làm bánh. Ước mơ đi dạy, và không ngừng… đi học, là sao?

Đi học cũng chính là một cách nuôi dưỡng ước mơ đi dạy. Có đi học mới thấy hết công sức và tâm huyết của người đi dạy, đồng thời tâm tư của người học. Với tôi, đi học cũng là một cảm hứng sống vậy!

Tôi không thể không ngừng làm mới cuộc sống của mình và cách tốt nhất để làm mới nó theo tôi là đi học, và truyền cảm hứng đó sang mọi người, để cùng nhau làm mới cuộc sống về cơ bản là rất dễ tẻ nhạt này.

“Tôi luôn có bản năng chế ngự sự nhàm chán”

Không có cái gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên” ở chị sao, khi không phải ngẫu nhiên mà người ta có hẳn một dòng phim về nó?

Từng có chứ, mà chả cứ phải đợi tới lúc trung niên. Đời tôi, trông qua thì phẳng lặng nhưng thật ra gặp nhiều biến cố, va vấp lắm chứ, chủ yếu là trong nghề. Có những biến cố còn tưởng chừng như không vượt qua nổi, có những lúc bị ném đá kinh hoàng vì những lý do giời ơi đất hỡi, vu oan giá họa… Nhưng tôi nhớ là nó rất ngắn, vì từ lâu tôi đã luôn có bản năng chế ngự sự nhàm chán, cũng như sự “phản đòn” của cuộc sống.

"Tôi cũng khá là có sở trường trong việc giúp ai đó thoát ra được tâm trạng buồn chán khi họ đang bị mắc kẹt trong một khúc quanh nào đó của cuộc sống".


Bất hạnh nhất trong cuộc sống, theo tôi là khi ta cứ muốn cuộc sống phải theo ý mình, là luôn muốn chiều chuộng cảm xúc của mình. Cuộc sống đành thì phong phú nhưng một mặt, bản chất của nó cũng còn là sự đơn điệu nhàm chán. Mà cái tâm của mình thì như một đứa trẻ con, muốn không làm hư nó thì đừng có mà hơi tý là lại mang cái này cái kia ra hầu nó, dỗ nó. Lâu dần thành tâm lý hơi tý là dỗi hờn cuộc sống, bắt đền cuộc sống…

Muốn nó ngoan, trật tự thì mình phải rèn cho nó, không phải đòi gì cũng được. Rằng, đôi lúc cũng phải lo mà làm quen với sự buồn chán, phải hiểu đấy là một phần của cuộc sống, để mà vui vẻ chấp nhận nó, sống chung với nó, làm chủ nó.

Còn thì, về cơ bản thì cuộc sống vẫn sẽ luôn tốt đẹp, có điều phải tuân theo quy luật tự nhiên của nó. Theo, nhưng là theo một cách chủ động, không thể để nó lôi đi xềnh xệch được.

"Không thể chỉ vì hôm nay đường vắng tôi mới vui, trời phải nắng thì tôi mới vui. Nếu đường đông thì ta có thể đi đường khác, hoặc nếu tắc mọi ngả, thì… chuyện gẫu với anh lái Grab cũng vui mà, hoặc tạt vào quán cafe làm việc khác, đợi vãn...".

Cuộc sống của tôi là thế đấy, nó là thế nào thì tôi sẽ thuận theo như thế, có được đến đâu thì ta hưởng đến đó. Bằng không, trước cái cuộc sống đầy rắc rối này ấy mà, bạn sẽ rất dễ cứ tức từ sáng đến tối, rồi mai lại tức lại từ đầu…

Triết lý sống đó, trong đạo Phật, người ta gọi là “tùy duyên thuận pháp”. Tôi nghĩ là hiện tại tôi đã đạt được đến đấy. Còn ở mức “vô ngã vị tha” thì chưa, tôi chưa thực sự làm được.

Cuối cùng bài học khó nhất trong cuộc sống vẫn là học cách sống?

Chính xác! Tôi nhớ một nhà tâm lý học từng nói đại ý rằng: Kinh nghiệm cho thấy, thường những người sống sót được qua nghịch cảnh mà ít bị sứt đầu mẻ trán nhất và không gì, không ai còn có thể làm hại họ được nữa, ấy chính là họ biết quay vào bên trong, đối diện lặng yên với những lằn sóng nội tâm của chính mình.

Lắng lại để chọn lựa, cả khi tưởng như mình không có quyền để chọn lựa. Lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn việc để làm, thứ để xem, ngả để rẽ…

Trong cuộc sống, có những thứ tưởng như vô thưởng vô phạt lại không hề vô hại như ta tưởng. Lựa chọn lại, khi cần, đôi khi cũng là một cách thanh lọc cuộc sống. Hoàn toàn có thể chuyển hóa năng lượng xấu, tiêu cực thành nguồn năng lượng tốt, tích cực, một khi ta biết lựa chọn nạp cái gì vào mình. Tất nhiên không thể đóng cửa hoàn toàn trước cuộc sống nhưng chẳng ai cấm bạn từ chối tiếng gõ cửa khi nó không đáng mở cả.

Tôi thật ra rất ít bạn, vì thường tôi không rộng cửa với những người hay hơi tý là kêu ca than vãn, luôn đổ lỗi, áp đặt và thường xuyên coi mình là cái rốn của vũ trụ, có thể nói xấu cả thế giới… Những người như thế, thường tôi chọn… té. Té thì dễ thôi, ôi hôm nay tôi bận!

“Hài lòng là một từ rất nguy hiểm”

Lý thuyết thì thế nhưng thực hành, với chị thì sao?

Như chúng ta cũng đã thấy, một phần không nhỏ năng lượng xấu, thiếu tích cực là đến từ internet, mạng xã hội. Từ lâu, tôi đã xây dựng được cho mình một thói quen tuy đơn giản nhưng không dễ gì có được vì bản thân tôi cũng từng là một “con ghiền” smartphone: 2 tiếng đầu tiên của ngày tuyệt nhiên không tiếp xúc điện thoại, tuyệt đối dành riêng cho mình, sức khỏe của mình, tâm trí của mình... 5 giờ sáng ngồi yên, thả lỏng, rồi sau đó là chạy. Nói ra thì hơi xấu hổ một tý là tôi thường… đi ngủ sớm như gà vậy, 9h30 đã tắt điện thoại, sáng hôm sau mới dậy sớm được.

Sống kỷ luật thật ra lại chính là cách giúp mình có được một đời sống thoải mái nhất vì bạn luôn có thể kiểm soát được nó ở mức tốt nhất và chủ động nhất.

Anh Quân từng nói với tôi rằng: Chị là người lạc quan đến nỗi chỉ cần hôm nay lắc vòng là chị đã tin ngay rằng từ mai sẽ có ngay một vòng eo mơ ước?

Chính xác tính cách tôi là như thế đấy! Ai mà chẳng có ngày đầu tiên, đẻ ai chả đau, mang thai ai chả mệt, mấy khi có ngoại lệ. Nên là cứ vui với hành trình của mình thôi, ngay từ lúc bắt đầu đi.

"Vui mà, tại sao không hưởng luôn đi, mà cứ phải đợi đến đích?".

Bản thân tôi ngay từ năm 18 tuổi cũng đã quen sống vậy rồi. Đấy không phải là dám sống mà chỉ đơn giản là tôi không tính, vì thực ra đâu có tính được, “biết ra sao ngày sau”...

Phép tính duy nhất nếu có là mưa thì mang ô, nắng thì bôi kem, yêu thì lấy, biết thì làm, không biết thì học…, thế thôi!

Từ điển của chị thường khi nào thì sẽ xuất hiện từ “hài lòng”, hay “cho phép”?

Hai từ đó chả bao giờ xuất hiện cả, vì lúc nào tôi cũng hài lòng và cho phép hết. Nhưng hài lòng cũng là một từ nguy hiểm đấy! May thay, sự hài lòng ở tôi là hài lòng trên đường đi, chứ không phải là cái hài lòng khi đến đích, nên như bạn cũng thấy đấy, tôi vẫn đang đi.

Vẻ như chị (dễ) hạnh phúc vì chị… không đa tình?

Ai bảo tôi không đa tình? Nhầm! Ai mà chả có lúc đa tình. Đi ngoài đường thấy cái nhà đẹp đôi khi còn phải đi chậm lại để nhìn, huống chi một người dễ thương, say nắng là chuyện bình thường chứ! Có tình yêu mới sống được chứ! Vấn đề là mình sẽ làm gì với nó, cho phép nó đi được đến đâu, tận cùng hay chỉ ngang đó. Mà thôi, không phải lo!

Chúng ta ai rồi cũng sẽ ổn thôi, mọi người dần rồi cũng sẽ tìm cách ổn hết, vì xét cho cùng ai cũng phải sống hết, có ai chết được (vì tình) đâu! Có, nhưng ít thôi!

Biết đâu sống vì tình còn khó hơn chết vì tình?

Tôi thích lời dạy: Phải hiểu mới thương được. Nên quả là để sống vì nhau, cả khi đã sẵn lòng sống vì nhau, thế thôi mà không dễ đâu! Vì đôi khi người ta cần A mà mình lại đưa B, người ta cần mình ngồi yên trật tự thì mình lại cứ loạn lên.

Đàn ông về đến nhà, đôi khi cái họ cần hơn cả là sự nhẹ nhõm vui tươi, hơn là một bữa cơm nóng sốt nhưng đi kèm là một trận cáu… Rằng thì là tôi muốn, tôi thấy, tôi định, tôi tính… Toàn ngôi thứ nhất hết! Trong khi, chỉ cần biết chuyển trục cho người khác, từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba… là mọi sự sẽ ổn hơn lên rất nhiều.

Anna vừa đính hôn tại Mỹ, Anh Duy mới đỗ ngành bác sỹ Y khoa tại Australia, Mỹ Anh cũng đã dần tiến những bước tự tin hơn vào làng nhạc… Ở thời điểm chứng kiến con cái dần phương trưởng, chị còn đồng ý với câu nói phổ biến này ở nhiều mẹ Việt: “Với con cái thì chẳng bao giờ hết lo cả!”?

Tôi đã bao giờ lo đâu mà đồng ý! Hoặc tôi không hay lo theo kiểu của nhiều người. Với tôi, điều tối kỵ nhất trong cuộc sống là tìm cách áp đặt lên người khác, kể cả là với con cái mình. Điều cần thiết nhất với người làm bố làm mẹ là tạo cho con một môi trường tốt, riêng cái đó thì tôi rất kỹ, để từ đó, con sẽ dần trưởng thành nhận thức và có được bộ lọc tốt khi ra đời.

Tôi thích từ “thân giáo”, nghĩa là dạy con không gì tốt nhất bằng chính bản thân mình, những việc mình làm, cái cách mình sống, mình nói dối thì con nó cũng nói dối; mình vui tươi thì con nó cũng vui tươi, mình hằn học ủ rũ thì con nó cũng dễ hằn học ủ rũ…

Làm bố làm mẹ, có một cái hạnh gọi là hạnh lắng nghe, phải nghe mới hiểu được con mình, và như đã nói, phải hiểu mới thương đúng, thương đủ được! Tôi cũng đầy lúc tức con điên lên chứ nhưng vẫn phải dằn lòng để lắng nghe con nói, vì có thể con nó có lý riêng của nó. Có lúc tôi thốt lên với con: “Ơ, mẹ với Mỹ Anh cứ như bạn ấy nhỉ!”. Tôi nghĩ tôi đã làm được điều đó với con. Còn với Anh Quân thì chưa làm được.

Nếu một ngày đẹp trời, chị bỗng phát hiện ra có một người bạn tâm giao làm được cái việc mà chị chưa làm được đó?

Bình thường! Nếu mà lúc trước thì chắc là tôi ghen lắm, nhưng giờ thì bình thường. Mình cũng thế thôi, càng lớn tuổi càng thấy bạn bè quan trọng, mà trên đời thì có rất nhiều kiểu bạn, đâu mỗi bạn đời.

Chị nghĩ gì khi chị chạy bộ? (Thật ra, tôi chỉ muốn mượn tên một cuốn sách…)

Có, tôi có biết cuốn đó, thậm chí còn là cuốn sách “gối đầu… đường” của tôi: “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Nó hoàn toàn là một lẽ sống. Khó nhất quả thật là lúc xỏ giày. Cũng đầy lúc muốn lẳng giày đi lắm chứ! Nhưng hơn hết, là cái cảm giác lúc quên đi đôi giày đó, lúc đang trên đường rồi. Không phải là cái đích, mà chính hành trình ấy, cái “đang là”, “lướt qua”, “bên cạnh” ấy, mới chính là hạnh phúc lớn nhất với người chạy!...

Vậy, khi làm bánh?

Tôi nghĩ đến quyền được sai. Tôi được dạy rằng, món bánh mỳ là một món đòi hỏi rất cao sự chính xác, quy củ, ở mọi công đoạn. Nhưng tôi cũng đã chứng minh được rằng, thật ra, vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh. Thay vì đổ đi bằng hết để làm lại từ đầu, tôi chọn cách sai đâu sửa đó, khi còn kịp.

Cảm ơn Mỹ Linh!

Thủy Lê (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Những cuốn tự truyện của ca sĩ Việt gây chú ý

Tuấn Đạt |

Cuộc sống với những khó khăn được các ca sĩ viết trong cuốn tự truyện đã thu hút sự chú ý của khán giả.

4 con nuôi của ca sĩ Phi Nhung trưởng thành thế nào sau nhiều năm?

ĐÔNG DU |

Phi Nhung là nghệ sĩ có nhiều con nuôi trong showbiz Việt. Trong đó, Hồ Văn Cường, Quỳnh Trang, Thiêng Ngân, Tuyết Nhung đều đã trưởng thành và có sự nghiệp ổn định.

4 điểm tạo thành công cho diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, Mỹ Linh

ĐÌNH DY |

Có nền tảng âm nhạc tốt, lại có duyên với các nhạc sĩ tên tuổi... những lý do này là công thức chung tạo nên thành công của 4 diva hàng đầu Việt Nam.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Những cuốn tự truyện của ca sĩ Việt gây chú ý

Tuấn Đạt |

Cuộc sống với những khó khăn được các ca sĩ viết trong cuốn tự truyện đã thu hút sự chú ý của khán giả.

4 con nuôi của ca sĩ Phi Nhung trưởng thành thế nào sau nhiều năm?

ĐÔNG DU |

Phi Nhung là nghệ sĩ có nhiều con nuôi trong showbiz Việt. Trong đó, Hồ Văn Cường, Quỳnh Trang, Thiêng Ngân, Tuyết Nhung đều đã trưởng thành và có sự nghiệp ổn định.

4 điểm tạo thành công cho diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, Mỹ Linh

ĐÌNH DY |

Có nền tảng âm nhạc tốt, lại có duyên với các nhạc sĩ tên tuổi... những lý do này là công thức chung tạo nên thành công của 4 diva hàng đầu Việt Nam.