Cặp kiện tướng dancesport Thu Trang - Hồng Việt: “Anh chỉ có thể bước lên bục nhận giải cùng em”

Thư Quỳnh (thực hiện) |

20 năm quen nhau, 15 năm sát cánh song hành trong sự nghiệp, 10 năm về cùng nhà… - 2021 quả là năm của “những con số chẵn” với một trong những cặp đôi vàng của làng dancesport Việt: Thu Trang – Hồng Việt. Một chuyện tình xúc động cho Ngày Valentine, về cách mà người ta có thể vì nhau đến thế nào khi cùng quyết liệt nhìn về một phía, thay vì trông vào cái gọi là “sinh ra đã ngậm thìa vàng” của nam kiện tướng…

“Anh ấy từng giấu biệt tôi về xuất thân”

Cháu ngoại của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là con trai duy nhất của nhà vật lý học nổi tiếng Võ Hồng Anh ở ngoài đời là một người đàn ông ăn vận giản dị, cung cách cởi mở, có phần xuê xoa. Nhưng vào chuyện thì biết, Việt thuộc típ điềm đạm và cẩn trọng, dễ gần thôi chứ còn lâu mới dễ tính. Vào việc thì lại càng là một con người khác, mà như Việt tự nhận là “có máu điên thật sự”, và “từng khắt khe với mình thế nào thì giờ cũng khắt khe với học trò y thế” (Trang bảo).

Cũng chính cái cung cách giản dị, xuê xoa ấy ở Việt mà 20 năm trước, cô gái kém anh 11 tuổi không hề biết đến xuất thân đặc biệt của người yêu, cho tận tới hai năm sau mới tình cờ biết được qua một người bạn. “Ngay lần gặp đầu, tuy chỉ là “trông mặt mà bắt hình dong” thôi mà tôi đã tin anh Việt chắc chắn là một người đàn ông tử tế. Không hiểu sao ngay từ đầu tôi đã có ý nghĩ như đinh đóng cột vậy, dù lúc đó tôi mới chỉ là một cô gái 19 tuổi, còn chưa hiểu biết sự đời. Và thật may cho tôi, linh cảm ban đầu đã luôn thật chính xác”, Trang nhớ lại. “Tôi thì không bao giờ bị áp lực là phải thành người này người nọ cho xứng với truyền thống gia đình, nhưng một mặt, khi nhìn vào đó, tôi cũng rất sớm ý thức rằng mình phải cố mà sống cho tốt, đừng làm gì không hay, không phải, khiến người thân phải phiền lụy vì mình. Nên có định nóng, tôi cũng cố dịu xuống; có định giận, thì tôi cũng tìm cách bỏ qua…”, Việt nói.

Khác với nhiều cặp đôi khác của làng dancesport, Hồng Việt – Thu Trang không quen nhau trên sàn tập mà nửa năm sau đó, Trang mới “bị” Việt rủ đi tập, lúc đầu chỉ để cho vui, chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện để làm nghề hay sẽ được đi thi đấu. Việt bấy giờ đã là một doanh nhân trẻ thành đạt, với một công ty chuyên về tin học được anh thành lập ngay sau khi tốt nghiệp khoa Toán – Tin ĐH Bách Khoa Hà Nội vào năm 1992 và nhanh chóng phát triển với quân số hơn 100 người. Vậy nhưng vào mỗi cuối ngày, ông chủ trẻ ấy lại xuất hiện ở phòng tập với bộ dạng “bụi phủi”, trừ cái cặp trong tay có vẻ không liên quan (mà về sau Trang mới biết là trong đó đựng gì). “Tôi còn không biết anh ấy là doanh nhân chứ đừng nói là xuất thân. Anh ấy giấu biệt, không phải để “thử lòng” mà chỉ đơn giản là bản tính khiêm nhường, kín đáo”, Trang kể. “Một người đàn ông trưởng thành mà phải lấy cái gọi là “gia thế” của mình ra để chinh phục một cô gái, theo tôi là hạ sách. Thuyết phục một ai đó, không cứ là một cô gái, theo tôi chỉ nên bằng chính tính cách của mình, cách sống của mình, thì mới đáng mặt một thằng đàn ông!”, Việt bảo.

Thế nhưng khi biết, và được dẫn về ra mắt tại ngôi nhà nổi tiếng ở số 30 Hoàng Diệu, Trang bảo cô cũng không hề có cảm giác “bước qua cổng hào môn” vì cung cách giản dị ấm áp của cả nhà, từ ông ngoại đến mẹ Việt. "Nếu trước đó là ý nghĩ “mình đến chơi nhà bạn trai” thì sau đó là “về nhà chồng”, nhẹ nhõm vậy thôi, như bao cô gái khác. Nhưng đúng là cái cảm giác bước qua cánh cổng của ngôi nhà rợp bóng cây xanh ấy thì quả là khác thật. Hay mỗi sáng tỉnh dậy trông ra vườn nhà, xanh như mơ. Nó thực sự là một không gian sống tuyệt diệu, đủ để giúp chúng tôi tái tạo được năng lượng rất nhiều sau những phút vắt kiệt sức mình trên sàn tập. Nếu không có khoảng xanh ấy, tôi quả thật cũng không hình dung nổi một ngày mệt nhoài trước đó của chúng tôi sẽ trôi qua thế nào…”, Trang nói.

Giọt nước mắt trên sàn tập

6 năm sau khi từ giã nghiệp thi đấu (2015) để chuyên tâm cho công tác đào tạo VĐV đỉnh cao, Trang và Việt đã… có lại ô tô để đi. “Tự dưng vào một ngày đẹp trời tôi bỗng thấy mình… thoát nghèo, tự dưng thế nào mà lại có tiền tiêu, không phải dè sẻn nữa…”, Việt đùa. Còn 15 năm trước đó, lúc còn căng mình cho tập luyện và thi đấu, cặp đôi vàng của dancesport Việt đã có lúc phải bán đi xế hộp, thậm chí 1 trong 2 cái xe máy, và “cũng vào một ngày đẹp trời tự dưng thấy hai đứa chỉ còn mỗi một cái xe máy để đi chung”, Trang cười.

Những ai từng theo đuổi sự nghiệp thi đấu đỉnh cao cho bộ môn khiêu vũ thể thao đều chẳng lạ gì câu chuyện dốc hết “gạo trong nhà” cho những chuyến tập huấn tại nước ngoài với nỗ lực tầm sư học đạo, khi bộ môn sinh sau đẻ muộn này chưa bao giờ nằm trong danh sách được nhà nước ưu tiên đầu tư. Với những người tiên phong cho bộ môn này như Trang và Việt thì lộ trình đó lại càng gian nan hơn ai hết.

“Trung bình mỗi chuyến tập huấn tại Châu Âu hay Hong Kong kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng tùy vào khả năng tài chính và sức tập của học viên. Vé máy bay khứ hồi và visa nếu là châu Âu thì xác định mất tầm 60 triệu cho 2 người. Học phí cho mỗi tiết học khoảng chừng 45 phút sẽ là 100 Euro, mỗi ngày thường sẽ học từ 4-6 tiết… Đấy, bạn thử nhân lên đi là đủ biết con số “khủng” mà chúng tôi đã phải bỏ ra trong suốt 15 năm vắt kiệt mình cho sự nghiệp, không chỉ mồ hôi nước mắt mà còn là thời gian, tiền của…”, Việt kể.

“Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy tiếc, ngay cả khi đợt tập huấn đó không mang lại may mắn trên sàn thi đấu. Điều duy nhất khiến tôi tiếc nuối và day dứt hơn cả là trong những năm tháng cắm đầu tập luyện, tập luyện và tập luyện đó, đã có những lúc chúng tôi phải thiếu sót với người thân, phải vắng mặt trong những thời khắc quan trọng nhất, thậm chí không bao giờ còn có cơ hội để mà làm lại…”, Trang áy náy nhớ lại.

Ấy là vào năm 2009, cái năm mà chỉ trong vòng 4 tháng, Trang và Việt đều lần lượt phải mất đi hai người thân quan trọng của mình: Trang mất chị, Việt mất mẹ. “Ở thời điểm nhận hung tin, tôi và Trang lúc đó còn đang trong đợt tập huấn dài ngày ở Hong Kong để chuẩn bị cho một giải đấu quan trọng. Nếu bỏ dở, đồng nghĩa với việc sẽ phải chấp nhận mất toàn bộ chi phí quá ư là tốn kém để có được chuyến đi, bao gồm cả khoản học phí cho khóa học và quan trọng là mất đi cơ hội nâng cao tay nghề (thường mỗi lần đặt lịch phải mất thời gian chờ đợi từ 3-4 tháng), trong khi mới đi được nửa chặng. Song nhìn Trang vật vã trước sự ra đi của chị gái, cực chẳng đã, tôi đành khuyên cô ấy (lúc ấy còn là bạn gái) là hãy bỏ hết, để kịp có mặt trong ngày tiễn biệt. Thế nhưng sau khi cân nhắc kỹ, Trang lại quyết định ở lại, chấp nhận nén đau để hoàn thành bằng được khóa học. Chỉ có điều là sau mỗi buổi tập, cô ấy lại mất cả tiếng đứng bên cửa sổ và òa khóc, khiến ông thầy cứ tưởng hai đứa giận nhau.

Thị phạm cho học trò.
Thị phạm cho học trò.

Tới khi về nước, Trang đau và day dứt tới độ gần như không thể ở nhà, nơi từng chứng kiến bao kỷ niệm của hai chị em suốt từ thời thơ bé. Trong khi giải đấu thì đã cận kề, buộc lòng tôi phải thuê khách sạn cho Trang ở trong suốt hai tuần liền để cô ấy tạm thoát ra được khỏi ám ảnh, ăn ngủ được tốt hơn thì mới có đủ sức mà tập luyện…”.

“4 tháng sau đó thì mẹ chồng tôi mất, chỉ vài ngày trước khi diễn ra giải vô địch châu Á-Thái Bình Dương. Đó là một cú sốc rất lớn đối với anh Việt, vì bà chỉ có một người con duy nhất là anh, dồn hết bao yêu thương chi chút vào anh. Trước đó với chúng tôi là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng khi phải cùng lúc chạy đi chạy lại để chăm mẹ nằm viện, rồi lại riết róng tập luyện để kịp chuẩn bị cho giải đấu. Tới lúc mẹ đi, không ai nghĩ anh Việt lại có thể cắn răng lên đường đi thi đấu, và tại cuộc đó, chúng tôi đã may mắn được xếp hạng 9 trong top 10 đôi nhảy đẹp nhất khu vực, chắc nhờ mẹ phù hộ…”, Trang kể.

“Một trong những động lực giúp tôi nuôi giữ đam mê, ấy là mang lại niềm vui cho bố mẹ, khi bố tôi thì vô cùng yêu thích khiêu vũ, tới mức còn từng lập hẳn một CLB, dù đó chỉ là nghề tay trái của ông; còn mẹ tôi thì tận đến phút ra đi vẫn luôn để đầu giường cái cúp vô địch quốc gia đầu tiên của tôi và Trang, vào 2 năm trước đó. Nhưng tới lúc mẹ ra đi, cái cảm giác không còn cả bố lẫn mẹ (Việt mất bố 9 năm trước – P.V) khiến tôi bỗng cảm thấy mình bơ vơ khủng khiếp.

Trong phút chốc, tôi bỗng không biết tất cả những gì mình phấn đấu lâu nay và đang vẫn vắt kiệt mình cho nó là vì ai và để làm gì. Ấy là lúc tôi quyết định phải bỏ đi 1 trong 2 thứ vẫn lấy đi thời gian và tâm sức của mình. Đó là quyết định giải thể công ty tin học mà tôi đã mất gần 20 năm gầy dựng. Một quyết định không hề dễ dàng, nhưng cũng còn hơn là phải từ giã dancesport. Ấy cũng chính là lúc tôi nhận ra tình yêu mà tôi dành cho niềm đam mê của mình lớn tới mức nào: Có thể từ bỏ tất cả, mọi thứ: công ty, tiền của…, nhưng chưa bao giờ là ý nghĩ rời bỏ dancesport. Chưa bao giờ tôi để bất cứ một cú sốc tinh thần nào làm lung lay ý chí đấy và lựa chọn đấy của chúng tôi…”, Việt nói.

“Không ít giải đấu quan trọng, từ vô địch quốc gia hay khu vực, đã là một thử thách lớn đối với chúng tôi, khi phải gạt nước mắt khóc người thân để kịp có mặt tại giải đấu. Vô số, vô số giải đấu, trong suốt 15 năm khoác áo VĐV. Và như một sự phù hộ từ người thân của mình, đó đều là những giải đấu mà chúng tôi may mắn đạt được thành tích cao”, Trang nói.

Trên những chặng đường thi đấu, có một kỷ niệm mà Việt bảo anh không thể nào quên. Ấy là vào năm 2013, giải vô địch quốc gia dancesport đã phải hoãn lại do trùng với quốc tang, chính là ngày ra đi của ông ngoại anh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Rồi khai mạc vào 2 ngày sau đó tại TPHCM. Lúc đó, không ai tin là cặp đương kim vô địch quốc gia mùa trước lại có thể kịp có mặt tại buổi thi đầu. Cùng người thân lo đại sự cho ông xong, dù tinh thần và thể trạng không tốt một chút nào, nhưng tôi và Trang vẫn quyết định bắt xe đi ngay trong đêm, thậm chí còn trên một chiếc xe không chuyên dụng chở khách, không có cả ghế ngồi, từ Quảng Bình vào Đà Nẵng, để kịp bắt máy bay vào Sài Gòn và có mặt tại TPHCM vào lúc 7h sáng, 1 tiếng trước giờ khai mạc. Trang thậm chí phải trang điểm ngay trên taxi từ sân bay về điểm thi đấu. Sửng sốt thấy chúng tôi xuất hiện, cứ như từ trên trời rơi xuống, BTC cuối cùng đã thông cảm lùi lịch thi đấu của hai đứa sang buổi chiều để chúng tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị…”, Việt kể.

...và tấm huy chương vàng đầu tiên của dancesport Việt tại SEA Games 30

“Anh Việt là vậy, cho dù bất cứ có một chuyện gì xảy ra, thì anh ấy vẫn luôn quyết tâm nỗ lực thậm chí 200% để thực hiện cho kỳ được những gì đã định. Nếu có một đức tính quan trọng mà anh ấy đã được thừa hưởng từ ông và mẹ mình, thì tôi nghĩ đấy chính là tính kỷ luật. Kỷ luật để nghiêm khắc với chính mình, và đi đến cùng con đường mình đã chọn…”, Trang cảm phục chồng.

Và đấy cũng chính là phẩm chất của một người thầy trước học trò, khi Việt quyết định từ giã nghiệp thi đấu vào năm 2015 để dồn sức cho công tác huấn luyện. “Dù hết sức yêu thương học trò, nhưng anh Việt cũng là một người thầy khắt khe nhất mà tôi từng biết. Với anh ấy, trên sàn tập, không có gì là không thể, nếu như có đủ đam mê và ý chí”, Trang bảo. “Từng thấu hiểu thế nào là lao tâm khổ tứ cho bộ môn này nếu như muốn đạt được thành tích cao, tới khi khoác áo huấn luyện viên, tôi luôn tâm niệm phải làm sao để học trò của mình đạt được thành tích cao nhất nhưng lại tiết kiệm được chi phí đầu tư nhất và rút ngắn được thời gian nhất”, Việt nói.

Cũng chính vì quyết tâm cao độ ấy mà tại SEA Games 30, vào buổi sáng khó quên nhất trong 15 năm gắn bó với nghiệp khiêu vũ thể thao của cặp đôi vàng; cũng là cột mốc khó quên trong lịch sử dancesport Việt: Đó là sáng ngày 1.12.2019, dancesport Việt Nam lần đầu tiên được xướng tên ở thứ hạng cao nhất khu vực với tấm HCV được trao cho đôi nhảy Đức Hòa – Hải Yến, “học trò cưng” của Trang và Việt. Và điều ý nghĩa hơn cả, đấy là một đôi nhảy được đào tạo hoàn toàn trong nước, do chính một tay Trang và Việt theo sát từ đầu trong suốt 6 năm trời, đã nhiệt thành trao truyền cho học trò của mình toàn bộ kinh nghiệm, kỹ năng quý giá mà họ tích lũy được trong suốt 15 năm trời đam mê, đánh đổi.

Giây phút chia vui với học trò trước tấm huy chương vàng đầu tiên của dancesport Việt tại SEA Games 30.

“Đó là tấm huy chương mà bản thân chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp tài năng khác của chúng tôi từng kỳ vọng mà chưa bao giờ chạm tới được. Nhưng đó cũng chính là tấm huy chương khiến tôi tự hào nhất khi cuối cùng cũng đã tìm được câu trả lời cho niềm tin như nhất của mình, niềm tự hào Việt ở mình: Chắc chắn sẽ có lúc dancesport VN sẽ phải bước lên bục vinh quang sau bao nhiêu nỗ lực của những “viên gạch lát đường”, những người tiên phong cho dancesport Việt”, Việt nói.

Hỏi Việt điều gì ở Trang khiến anh nể vì hơn cả, Việt bảo, đấy là sự hy sinh. Nếu không có đức hy sinh, một người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé như Trang khó có thể mà đeo đuổi đến cùng một bộ môn đòi hỏi phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng và ý chí như dancesport. Nhưng Trang không coi đó là sự hy sinh mà chỉ đơn giản là “đi cùng”. “Khi anh ấy nói với tôi rằng, anh chỉ có thể đứng trên sàn tập cùng em và bước lên bục nhận giải cùng em, thì điều đấy có nghĩa, dù có phải đổ mồ hôi tới đâu, dù phải có lúc nén đau và chấp nhận đánh đổi thế nào, tôi cũng không có lý do nào để thoái chí”, Trang nói.

15 năm chung đường, 10 năm chung nhà, “cặp sam” lắm lúc khiến người ta phải thắc mắc, sao lại có thể có một cặp dính nhau như sam 24/24h như thế mà không biết chán. Lại vẫn sống cảnh vợ chồng son sau 10 năm làm vợ làm chồng. “Dù chưa có hay sẽ có em bé, tôi vẫn tin chồng tôi luôn yêu thương tôi như cách gia đình anh đã hết sức tôn trọng đời sống riêng của chúng tôi; lựa chọn đường nghề, đường đời của chúng tôi. Sau 10 năm, điều… buồn cười là chúng tôi vẫn luôn có cảm giác… muốn tán tỉnh nhau, luôn có cảm hứng hẹn hò và mang tới bất ngờ cho nhau. Và vì thế, sau những đánh đổi, và cả khi đời sống không hẳn được hoàn hảo trọn vẹn như mình kỳ vọng, thì tôi vẫn luôn tin mình thực sự là một người phụ nữ hạnh phúc”, Trang mãn nguyện.

“Khi anh ấy nói với tôi rằng, anh chỉ có thể đứng trên sàn tập cùng em và bước lên bục nhận giải cùng em, thì điều đấy có nghĩa, dù có phải đổ mồ hôi tới đâu, dù phải có lúc nén đau và chấp nhận đánh đổi thế nào, tôi cũng không có lý do nào để thoái chí..."

Thư Quỳnh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Video: Robot hóa vũ công chiếm lĩnh sàn nhảy với màn khiêu vũ ấn tượng

P.Đ (Theo theverge) |

Trên nền bản nhạc "Do You Love Me" của The Contours, những chú robot đã chiếm trọn sàn nhày với màn khiêu vũ tập thể ấn tượng không kém những vũ công thực thụ.

Khánh Hòa: Thành lập câu lạc bộ Dancesport Nhà văn hoá Lao động

Phương Linh |

Đây là câu lạc bộ thể thao đầu tiên được thành lập tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Khánh Hòa.

Độc đáo ý tưởng kết hợp áo dài và nhảy Dancesport

Linh Chi |

Là người yêu áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã cùng Kiện tướng Dancesport (khiêu vũ thể thao) Chí Anh tạo nên điệu nhảy kết hợp giữa áo dài và Dancesport.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Video: Robot hóa vũ công chiếm lĩnh sàn nhảy với màn khiêu vũ ấn tượng

P.Đ (Theo theverge) |

Trên nền bản nhạc "Do You Love Me" của The Contours, những chú robot đã chiếm trọn sàn nhày với màn khiêu vũ tập thể ấn tượng không kém những vũ công thực thụ.

Khánh Hòa: Thành lập câu lạc bộ Dancesport Nhà văn hoá Lao động

Phương Linh |

Đây là câu lạc bộ thể thao đầu tiên được thành lập tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Khánh Hòa.

Độc đáo ý tưởng kết hợp áo dài và nhảy Dancesport

Linh Chi |

Là người yêu áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã cùng Kiện tướng Dancesport (khiêu vũ thể thao) Chí Anh tạo nên điệu nhảy kết hợp giữa áo dài và Dancesport.